Thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

Theo Minh Vũ/dangcongsan.vn

Dịch COVID-19 đã tạo ra những tác động theo chiều hướng tiêu cực đối với các ngành sản xuất, trong đó có nông nghiệp. Để hỗ trợ việc tiêu thụ hàng nông sản, nhiều mặt hàng đã được hỗ trợ trên các sàn thương mại điện tử. Thực tế cho thấy, đây là hướng đi phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân...

Đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử là cách làm hiệu quả góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch. (Ảnh: TL).
Đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử là cách làm hiệu quả góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch. (Ảnh: TL).

Năm 2021, diện tích nhãn toàn tỉnh Sơn La vào khoảng 19.224 ha, trong đó, tập trung tại các huyện như: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… với sản lượng ước đạt 98.500 tấn. Do tác động của dịch bệnh, việc vận chuyển, tiêu thụ gặp khó nên có thời điểm, giá nhãn tại Sơn La chỉ còn từ 8.000 – 10.000 đồng/kg; nhưng tại Hà Nội và nhiều nơi khác lại có mức 30.000 – 40.000 đồng/kg. Ngoài nhãn, Sơn La còn có nhiều loại hoa quả khác như chanh leo, bơ, xoài, mận... cần tiêu thụ với sản lượng lên tới hàng chục nghìn tấn.

Cùng với Sơn La, từ đầu năm đến nay, việc tiêu thụ nông sản của nhiều địa phương trên cả nước cũng gặp không ít khó khăn do dịch bệnh bùng phát, việc vận chuyển bị hạn chế. Nhất là trong thời điểm chính vụ thu hoạch, tiêu thụ hàng nông sản càng trở thành “bài toán” khó đối với nhiều tỉnh, thành. Trong bối cảnh đó, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử đã dần trở thành giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện dịch bệnh, vừa dần tạo ra một kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững, vừa đảm bảo giá cả, giúp gây dựng thương hiệu cho nông dân và hàng nông sản. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, các mặt hàng nông sản đã và đang được đưa lên rất nhiều sàn thương mại điện tử với các quy mô khác nhau. Điển hình như các sàn thương mại điện tử: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart, Lazada...

Đực biệt, mùa vụ 2021, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang chính thức phân phối trên cả 6 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức. Đây cũng là niên vụ đầu tiên, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang châu Âu theo hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua sàn thương mại điện tử Voso. Việc này đã góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm thu nhập và đời sống của người nông dân giữa lúc dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp đẩy nhanh tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp. Do vậy, Bộ Công thương cũng đã đề nghị các sàn thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia; hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch trên các sàn thương mại điện tử uy tín… 

Thực tế cho thấy, đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp kịp thời giúp mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản, nhất là khi các kênh tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp dó tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, do tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử là một phương thức còn khá mới mẻ với người nông dân, đặc biệt là bà con ở các tỉnh miền núi nên cần có sự hỗ trợ nhiều hơn để họ quen với phương thức này.

Nói cách khác, một trong những thách thức lớn nhất là nhận thức của người nông dân về thương mại điện tử còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp cần được huấn luyện, đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần có những chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Được biết, Cục Xúc tiến Thương mại đã và đang phối hợp với các sàn thương mại điện tử đào tạo, tập huấn cho nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, bán hàng livestream; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện để nông dân hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó tổ chức sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian tới, cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian…

Với lợi thế tốc độ nhanh, phạm vi tiếp cận rộng, chi phí thấp hơn so với thương mại truyền thống, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên kênh thương mại điện tử được xác định là giải pháp cứu cánh, trở thành xu thế kinh doanh tất yếu cho tiêu thụ, xuất khẩu nông sản và các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Xu hướng này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tăng cường kết nối tiêu thụ hàng nông sản tại các sàn thương mại điện tử không chỉ mở ra cơ hội lớn để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, mà còn là cơ hội lớn để nông dân Việt thích ứng và bắt nhịp với xu hướng thương mại hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất.