Thương mại vẫn đối diện với nhiều bất ổn

Theo Minh Đức/thoibaonganhang.vn

Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu (WTOI) hiện đang ở mức 96,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2010. Sự sụt giảm của chỉ số này xuống dưới ngưỡng 100 điểm cho thấy thương mại toàn cầu trong quý I có thể rơi vào tình trạng sụt giảm.

Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu (WTOI) hiện đang ở mức 96,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2010. Nguồn; internet
Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu (WTOI) hiện đang ở mức 96,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2010. Nguồn; internet

Hầu hết các cấu phần hoạt động thương mại theo thống kê của chỉ số WTOI đều diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Cụ thể, thương mại vận tải qua đường hàng không đang trong giai đoạn thu hẹp khá mạnh với mức thống kê chỉ đạt 96,8 điểm. Thống kê giao dịch thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp thô, hàng điện tử và phương tiện vận chuyển cũng bị thu hẹp với mức điểm đạt được chỉ xoay quanh mốc 90 điểm. Số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm xuống chỉ còn 95,3 điểm. Hiện nay, chỉ duy nhất hai chỉ số thương mại vận tải qua cảng biển và lượng giao dịch mua bán hàng hóa vẫn nằm trong xu hướng gia tăng ở mức 100,3 và 101,9 điểm.

Thương mại vẫn đối diện với nhiều bất ổn - Ảnh 1
Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu WTOI. Nguồn: WTO Statistics (2/2019)

Triển vọng thương mại toàn cầu u ám xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mà một phần bắt nguồn từ sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu thế giới suy giảm; một phần nữa bắt nguồn từ những căng thẳng thương mại vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trong năm 2019, theo dự báo của WTO, điều này vẫn sẽ khó được cải thiện, thể hiện ở xu hướng bảo hộ vẫn đang gia tăng tại các nước lớn; mâu thuẫn trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và một số nước đồng minh lớn khác như EU, Nhật Bản có thể tăng trở lại do những bất đồng trong việc áp thuế một số mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu giữa các quốc gia này.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 4, Mỹ đã khởi động một quy trình đánh thuế bổ sung với các hàng hóa có nguồn gốc từ EU. Cụ thể, văn phòng thương mại Mỹ (USTR) ngày 8/4 đã công bố một danh sách hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) - từ máy bay thương mại cỡ lớn, phụ tùng máy bay cho tới các sản phẩm sữa và rượu vang - sẽ bị đánh thuế bổ sung. Ngay lập tức, để đáp trả động thái trên, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã đưa ra một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 20 tỷ Euro (22,6 tỷ USD) có thể bị áp thuế. 

EU và Mỹ đã tranh cãi hơn 10 năm qua liên quan đến các bất đồng trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đặc biệt là cáo buộc lẫn nhau về việc trợ cấp trái quy định cho các hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing. Hai bên đều được cho là đã trợ cấp hàng tỷ USD cho hai hãng này để giành lợi thế trên thị trường máy bay toàn cầu.

Tương tự như vậy, giữa Nhật Bản và Mỹ hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại liên quan đến vấn đề thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng bày tỏ sự không hài lòng khi Nhật Bản ghi nhận thặng dư thương mại 69 tỷ USD với Mỹ trong năm 2018, trong đó, khoảng 2/3 tổng lượng thặng dư tới từ lĩnh vực xuất khẩu ô tô. Vì vậy, Mỹ cho rằng, hai nước cần đàm phán để giải quyết vấn đề này.

Theo Nikkei Asian Review, phía Mỹ từng đe dọa sẽ đánh thuế hoặc áp đặt hạn ngạch đối với ô tô hoặc linh kiện ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản. Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế đất nước mặt trời mọc có thể sẽ chịu thiệt hại lớn. Tuy nhiên, hiện tại, Nhật cũng đang thúc đẩy các hiệp định thương mại với EU và 10 đối tác khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Những thỏa thuận này có thể khiến nông dân Mỹ, bao gồm cả các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn, có thể mất đi 22% thị phần nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản vào tay các đối thủ có mức thuế thấp hơn.

Về phía quan hệ thương mại Mỹ-Trung, mặc dù tình hình căng thẳng thương mại giữa hai nước đã có một số dấu hiệu tiến triển trong thời gian gần đây nhưng diễn biến còn khó đoán định và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều bất lợi như vậy, các nhà đầu tư đang kỳ vọng sự phát triển của các Hiệp định thương mại đa phương mới, để có thể phần nào trợ giúp cho dòng chảy thương mại toàn cầu.

Ví dụ như CPTPP - hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - mới được thông qua vào cuối năm ngoái được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng GDP khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

Bên cạnh đó, một loạt các hiệp định đa phương mới như hiệp định thay thế NAFTA giữa Mỹ - Mexico - Canada hay hiệp định RCEP có sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ cũng đặt ra kỳ vọng cho sự phát triển của thương mại toàn cầu.

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế của WTO dự kiến triển vọng thương mại toàn cầu vẫn khá ảm đạm trong tương lai gần, cụ thể ​​tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa sẽ giảm từ 3% năm 2018 xuống còn 2,6% trong năm 2019, sau đó có thể tăng trở lại mức 3% vào năm 2020, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào việc giảm bớt căng thẳng thương mại. Với sự chậm lại của hoạt động thương mại, ước tính tăng trưởng GDP thế giới chậm từ 2,9% trong năm 2018 xuống 2,6% trong cả năm 2019 và 2020.