Thương mại Việt - Ấn có khả năng tăng 15-20 tỷ USD
Với gần 300 dự án được cấp phép đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn khoảng trên một tỷ USD, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 25 của Ấn Độ.
Xuất, nhập khẩu hai chiều tăng mạnh
Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Từ năm 2009, khi Việt Nam - Ấn Độ cùng tham gia “Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ”, thương mại hai nước đã có bước phát triển vượt bậc. Số liệu mới nhất của ngành hải quan tính đến hết tháng 7/2020 cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt trên 5 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt xấp xỉ 2,6 tỷ USD.
Đứng đầu các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu vào Ấn Độ là máy tính, điện thoại và linh kiện, đạt xấp xỉ 1,1 tỷ USD. Trong khi đó, các mặt hàng Ấn Độ đang xuất khẩu vào Việt Nam gồm sắt thép, máy móc, thiết bị, phụ tùng, dược phẩm, thủy sản.
Hiện Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu xơ sợi, dệt vải, trong khi Ấn Độ nằm trong nhóm ba nước cung cấp nguyên phụ liệu ngành dệt may hàng đầu thế giới. Theo thống kê của ngành hải quan, nhóm bông, vải sợi, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày của Ấn Độ vào Việt Nam đạt kim ngạch nhập khẩu gần 200 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2020 và tăng mạnh trong những tháng vừa qua khi nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cụ thể, mặt hàng bông là 3,8 triệu USD trong tháng 6 và tăng đột biến lên 13,7 triệu USD trong tháng 7/2020.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra triển vọng tăng trưởng kinh ngạch thương mại và thu hút đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam ở những lĩnh vực mà quốc gia này có thế mạnh như sản xuất bông, vải dệt nhuộm. Theo lộ trình cam kết của EU, hàng dệt may của Việt Nam làm từ vải xuất xứ tại Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% trong khi hàng dệt may của Ấn Độ phải nộp 9,6% thuế.
Mở cơ hội tiếp cận thị trường mới
Trong các hoạt động xúc tiến thương mại gần đây, ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam luôn khẳng định vai trò trung tâm của Việt Nam trong chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Sự kiện “Gặp gỡ Ấn Độ 2020” được tổ chức tại Hà Nội vào những ngày đầu năm 2020 cho thấy tham vọng nâng tầm quan hệ hợp tác hai quốc gia của các cơ quan chức năng hai bên. Đến cuối tháng 2, trong chuyến công tác sang Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thảo luận với người đồng cấp về các biện pháp tăng cường đầu tư, thúc đẩy thương mại song phương và những tháng sau đó, mặc dù ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 nhưng hai bên đã duy trì tổ chức nhiều hoạt động kết nối xúc tiến thương mại dưới hình thức trực tuyến.
Đầu tháng 8 này, Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh trực tuyến và Hội chợ triển lãm trực tuyến Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương lần đầu tiên. Đây là sáng kiến của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, thu hút sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp của 14 nước ASEAN, châu Đại Dương và Ấn Độ. Việc Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Bộ Công Thương Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với nước bạn tổ chức sự kiện này đã cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong các chính sách giao thương hiện nay của Ấn Độ.
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Dương - Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn (CLB DNSG), trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các quốc gia sản xuất có xu hướng tìm kiếm nguồn cung ứng từ Ấn Độ và các nước ASEAN bên cạnh thị trường Trung Quốc. Cho nên, việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy Ấn Độ đang nhanh chóng tiếp cận cơ hội mới, có thể họ kỳ vọng cùng với ASEAN tạo ra chuỗi cung ứng thứ lớn cho thế giới và tạo ra hàng loạt cơ hội cho doanh nghiệp của các nước thành viên tiếp cận thị trường mới.
Phó chủ tịch VCCI - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN Đoàn Duy Khương cho rằng, nếu Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, kết nối và hợp tác thì việc đưa quan hệ thương mại song phương tăng lên 15-20 tỷ USD là trong tương lai gần. Theo ông, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ sẽ vẫn có dư địa phát triển đặc biệt trong hợp tác kinh tế.
“Việt Nam sẽ nỗ lực tối đa để tăng trưởng hợp tác kinh tế nội khối cũng như phát triển quan hệ chiến lược với các đối tác bên ngoài khu vực trong đó có Ấn Độ. Đối với Việt Nam, một số lĩnh vực sẽ tập trung hợp tác với Ấn Độ trong thời gian tới bao gồm dược phẩm, năng lượng, điện tử và công nghệ thông tin”, ông Khương nhấn mạnh.
Ông Dương cũng cho biết thêm, ngay sau sự kiện, CLB DNSG đã nhận được những email kết nối từ doanh nghiệp Ấn Độ. Trong đó có đối tác Ấn Độ đặt vấn đề tìm nguồn cung ứng kim loại, một tập đoàn tìm kiếm nhà phân phối đưa các mặt hàng gia dụng, nội thất vào thị trường Việt Nam… “Hiện nay rất nhiều hội viên của CLB DNSG đang kinh doanh trong các lĩnh vực dệt may, thời trang, điện tử… những mặt hàng mà thị trường Ấn độ đang có nhu cầu lớn. Trong khi đó, nhiều hội viên khác đang có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ phía Ấn Độ như vải vóc, máy móc thiết bị, sản phẩm về công nghệ, đặc biệt là dược phẩm”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh, ông Dương cũng đề xuất sớm tổ chức những phiên kết nối sâu hơn ở nhiều cấp độ, cụ thể đến những doanh nghiệp đang có nhu cầu để kết nối trực tiếp với đối tác Ấn Độ trên nền tảng trực tuyến trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 như hiện nay.