Thụy Điển sẽ là quốc gia không tiền mặt

Theo vnexpress.net

Thụy Điển đang dẫn đầu xu hướng này tại châu Âu, khi cả ngân hàng, xe bus, người bán hàng rong lẫn nhà thờ đều chuộng thẻ hoặc các dạng thanh toán điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Cũng giống các nước láng giềng khác, như Na Uy, Đan Mạch hay Phần Lan, Thụy Điển đang tiến rất nhanh trên con đường trở thành cộng đồng không tiền mặt. "Tôi không dùng tiền mặt nữa, với tất cả mọi việc. Chỉ là anh không cần đến nó nữa thôi. Cửa hàng không nhận, nhiều ngân hàng không có. Thậm chí mua thanh kẹo hay tờ báo cũng có thể dùng thẻ hay điện thoại rồi", Louise Henriksson - một trợ giảng 26 tuổi cho biết.

Các xe bus ở Thụy Điển không nhận tiền mặt đã nhiều năm nay. Bạn cũng không thể mua vé tàu điện ngầm ở Stockholm bằng tiền mặt được. Các hàng bán lẻ thì từ chối tiền giấy và tiền xu. Còn người bán hàng rong, thậm chí là nhà thờ, cũng ngày càng thích thanh toán bằng thẻ và điện thoại.

Theo ngân hàng trung ương nước này - Riksbank, tiền mặt chỉ chiếm 2% giá trị tất cả các giao dịch thanh toán tại Thụy Điển năm ngoái. Con số này được dự báo giảm xuống chỉ còn 0,5% năm 2020. Còn tại các cửa hàng, tiền mặt giờ được sử dụng cho gần 20% giao dịch, bằng nửa con số 5 năm trước, và thấp hơn nhiều trung bình toàn cầu là 75%.

Bên cạnh đó, khoảng 900 trong 1.600 chi nhánh ngân hàng tại Thụy Điển hiện không còn giữ tiền mặt hay nhận tiền gửi bằng tiền mặt nữa. Rất nhiều nhà băng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, thậm chí không có ATM. Tổng giá trị đồng krona Thụy Điển trong lưu thông đã giảm từ 106 tỷ krona năm 2009 xuống 80 tỷ krona năm ngoái.

"Tôi cho rằng trên thực tế, Thụy Điển sẽ trở thành quốc gia không tiền mặt trong 5 năm tới", Niklas Arvidsson - giáo sư nghiên cứu đột phá hệ thống thanh toán tại Viện Công nghệ Hoàng gia Stockholm nhận xét.

Arvidsson cho biết từ thập niên 60, các ngân hàng đã thuyết phục cả chủ lao động và nhân viên nhận trả lương bằng chuyển khoản. Còn thẻ tín dụng và thẻ ATM được thúc đẩy từ thập niên 90, khi các ngân hàng bắt đầu tính phí với séc.

Visa cho biết thẻ hiện là phương thức thanh toán chủ yếu tại đây. Người Thụy Điển dùng chúng nhiều gấp 3 lần trung bình châu Âu, với 207 giao dịch mỗi người năm 2015.

Gần đây, các ứng dụng điện thoại cũng xuất hiện ngày càng nhiều để hỗ trợ thanh toán điện tử. Ứng dụng phổ biến nhất hiện tại là Swish. Sản phẩm có sự hợp tác của các nhà băng lớn, gồm Nordea, Handelsbanken, SEB, Danske Bank và Swedbank. Bất kỳ ai có smartphone đều có thể chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác gần như ngay lập tức.

"Swish thực sự đã giết chết tiền mặt, đặc biệt trong các giao dịch thanh toán giữa người và người. Nó có các đặc tính không khác gì tiền mặt, chuyển tiền ngay, nhanh như anh đưa tờ tiền cho người khác vậy. Nó còn sắp phục vụ thanh toán cho doanh nghiệp nữa", Arvidsson nói. Được gần nửa dân số Thụy Điển sử dụng, Swish hiện được đóng góp hơn 9 triệu thanh toán mỗi tháng.

Những người bán hàng rong, từ bánh mì kẹp xúc xích đến tạp chí, thì lại thích iZettle - một hệ thống rẻ và dễ sử dụng được thiết kế cho những người kinh doanh nhỏ lẻ. Họ có thể nhận thanh toán thẻ qua một ứng dụng và một đầu đọc thẻ mini gắn với điện thoại. Nhiều người cho biết hệ thống này giúp họ tăng doanh thu đến 30%.

Kể cả các nhà thờ ở đây cũng đang dần thích nghi với xã hội không tiền mặt. Họ ghi ra số điện thoại của mình và đề nghị những người theo đạo dùng Swish để đóng góp. Một nhà thờ ở Stockholm cho biết năm ngoái, chỉ 15% các khoản đóng góp là bằng tiền mặt, còn lại đều qua điện thoại.

Dĩ nhiên, xu hướng này cũng đi kèm nhiều thách thức. Các trường hợp lừa đảo qua mạng đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Nhiều người, kể cả nhà cha đẻ iZettle - Jacob de Greer cũng tự hỏi liệu hệ thống thanh toán hoàn toàn được số hóa, với tất cả giao dịch được ghi lại, có phải là mối đe dọa với quyền riêng tư hay không.

Nhiều người lớn tuổi cũng vẫn thích tiền mặt hơn, do họ dễ kiểm soát chi tiêu và không quá rành công nghệ. Còn nhiều nhà giáo dục tỏ ra lo ngại người trẻ sẽ có xu hướng tiêu số tiền họ không có.

Với những lý do xã hội này, Arvidsson cho rằng tiền mặt sẽ chưa thể bị khai tử. "Kể cả nếu trong vài năm tới, người Thụy Điển gần như không dùng tiền mặt, quyết định có trở thành quốc gia 100% không tiền mặt hay không vẫn là vấn đề chính trị lớn. Tiền mặt, kể cả ở Thụy Điển, vẫn là thứ có quyền lực", ông kết luận.