Tích cực tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 4/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, thời gian qua, nhiều khó khăn của các dự án bất động sản (BĐS) đã được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan nỗ lực tháo gỡ.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, thông tin về hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng rà soát những khó khăn, vướng mắc đối với thị trường BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, trước những khó khăn của thị trường BĐS, Tổ công tác đã hoạt động rất tích cực.
Ngay sau khi thành lập, Tổ công tác đã tiến hành rà soát, làm việc với các địa phương để nhận diện những khó khăn, vướng mắc. Hàng loạt các vấn đề đã được Tổ công tác nêu ra như: Khó khăn về mặt thể chế, pháp luật của các dự án BĐS; Trách nhiệm thực thi ở các địa phương chưa quyết liệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án BĐS; Khó khăn liên quan đến nguồn lực tài chính ở các dự án BĐS...
Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đặc biệt là việc kịp thời Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai...
Hiện nay, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, trong đó đã đưa toàn bộ nhóm chính sách về nhà ở, đặc biệt là nhóm chính sách liên quan đến nhà ở xã hội bao gồm nội dung những nhóm khó khăn, vướng mắc trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5, thông qua vào Kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn đang tồn đọng.
Bộ xây dựng cũng đã đề xuất, trình Chính phủ sửa đổi tháo gỡ khó khăn liên quan đến quy hoạch, nhà ở, thủ tục, đặc biệt tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động tích cực hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong xử lý các vấn đề thủ tục...
Với đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", Đề án này hiện nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp BĐS và người dân. Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ về tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho các đối tượng là chủ đầu tư nhà ở xã hội, cho vay các đối tượng được vay mua nhà ở xã hội, chủ yếu là các dự án được vay, và ủy quyền cho các địa phương. Đối với các đối tượng vay mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có những văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đồng thời công bố cũng như ủy quyền cho các địa phương công bố danh mục các dự án đầu tư nhà ở xã hội được quyền vay...
Khi triển khai nhiệm vụ cụ thể, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, rà soát các dự án tại TP. Hồ Chí Minh là 180 dự án, TP. Hà Nội 170 dự án, Đà Nẵng 75 dự án, Hải Phòng 65 dự án, TP. Cần Thơ 79 dự án. Ngoài ra, Tổ công tác nhận được 71 văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến 121 dự án BĐS; Hướng dẫn giải đáp, tháo gỡ các dự các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận. Tại TP. Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã rà soát tháo gỡ cụ thể 30 dự án, nổi lên 30 nội dung vướng mắc, trong đó có 10 nội dung liên quan đến cải tạo nhà chung cư cũ.
Tại Đồng Nai, Tổ công tác đã làm việc ra soát các dự án lớn như Novaland, Hưng Thịnh..., từ đó nắm bắt được những khó khăn liên quan đến nội dung về quy hoạch, phân khu, chi tiết các dự án, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung được điều chỉnh tại Quyết định số 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đánh giá lại nội dung quy hoạch chi tiết, trên cơ sở các nội dung đang nghiên cứu, lập dự án tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), từ đó từng bước tháo gỡ những khó khăn cho thị trường BĐS ở các thành phố lớn...