Những yếu tố kéo giao dịch bất động sản châu Âu xuống thấp nhất 1 năm


Giá trị bất động sản thương mại sụt giảm cũng như nhiều những nỗi lo trong ngành ngân hàng sau vụ sụp đổ của ngân hàng Credit Suisse cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư “chùn tay” và lo sợ.

Giá trị bất động sản thương mại sụt giảm cũng như nhiều những nỗi lo trong ngành ngân hàng sau vụ sụp đổ của ngân hàng Credit Suisse cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư “chùn tay” và lo sợ.

Tổng giá trị giao dịch bất động sản thương mại tại châu Âu trong quý I/2023 rơi xuống mức thấp nhất trong 1 năm, theo số liệu của MSCI. Nguyên nhân chính khiến cho hoạt động trên thị trường này đi xuống chính là lãi suất cao, rối ren trong ngành ngân hàng và những nỗi sợ về tăng trưởng kinh tế khiến cho nhà đầu tư cảm thấy thận trọng.

Theo thống kê của Financial Times, tổng giá trị giao dịch bất động sản thương mại trong quý I/2023 ước tính khoảng 36,5 tỷ euro, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước. Lãi suất tăng cao khiến cho cả bên mua và bên bán bất động sản trở nên chật vật trong việc xác định giá thực tế của các tài sản.

Đồng thời, giá trị bất động sản thương mại sụt giảm cũng như nhiều những nỗi lo trong ngành ngân hàng sau vụ sụp đổ của ngân hàng Credit Suisse cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư “chùn tay” và lo sợ về khả năng bất động sản thương mại có thể là nguồn gốc gây căng thẳng tài chính.

Trưởng bộ phận nghiên cứu bất động sản tại MSCI, ông Tom Leahy, nhận xét: “Hiện đang xuất hiện những lo lắng về khả năng sẽ khó có nguồn tài chính ổn định cho bất động sản sau những biến động của ngành ngân hàng vào tháng 3/2023, chính vì vậy doanh số chưa thể tăng trên diện rộng”.

Ông Leahy cho rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây, đã phải mất đến vài năm, doanh số trên thị trường bất động sản thương mại mới tăng trở lại.

Theo phân tích của ông Leahy, việc thiếu đi những người bán trên thị trường đồng nghĩa giá tài sản khó điều chỉnh bởi nhiều chủ sở hữu chờ chứ nhất định không chịu bán nhà giá thấp. Số liệu của MSCI mới đây cho thấy rằng kỳ vọng giá của người bán và người mua diễn biến ngày một xa hơn trong những tháng gần đây.

Đầu tư nước ngoài vào bất động sản châu Âu chững lại đáng kể và rơi xuống mức thấp nhất tính từ năm 2011 dù rằng gần đây đã diễn ra làn sóng nhiều nhà đầu tư châu Á tận dụng cơ hội đồng bảng yếu để mua thêm bất động sản văn phòng tại London.

Số lượng các giao dịch bất động sản văn phòng rơi xuống mức thấp nhất tính từ năm 2007. Xu thế làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã khiến cho các chủ sở hữu bất động sản văn phòng đương đầu với thêm nhiều thách thức.

Riêng Paris đã đi ngược lại xu thế này, Paris vượt lên trên London để trở thành điểm đến hàng đầu của đầu tư bất động sản khi mà khối lượng giao dịch bất động sản tại London sụt giảm đến 58%. Tuy nhiên, MSCI phân tích thị trường bất động sản Paris bất chợt “nóng” lên bởi đột ngột xuất hiện một số thương vụ lớn ví như tập đoàn kinh doanh hàng xa xỉ Kering mua hai tòa nhà ở Paris với giá 1,5 tỷ euro.

Giám đốc tại Savills, ông Mat Oakley, khẳng định thị trường bất động sản London phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài, kiểu nhà đầu tư thường giảm bớt sự quan tâm vào thị trường trong những điều kiện nhất định: “Tôi nghĩ thế giới đang chứng kiến sự suy giảm hoạt động đầu tư xuyên biên giới, đặc biệt tại London”.

Tại Mỹ, thị trường bất động sản Mỹ trong thời gian gần đây cũng chứng kiến nhiều sự suy giảm. Doanh số bán nhà tại Mỹ tháng 3/2023 giảm trên diện rộng, đây có thể coi như khởi đầu rất kém lạc quan của mùa bán nhà tại Mỹ. Lãi suất thế chấp tại Mỹ cao không khỏi gây tổn hại đến động lực mua nhà của người Mỹ, theo nội dung mới được Wall Street Journal đăng tải.

Doanh số bán nhà đang sử dụng tại Mỹ tháng 3/2023 giảm 2,4% so với tháng liền trước xuống còn 4,44 triệu căn, theo Hiệp hội Bất động sản Mỹ công bố. Doanh số bán nhà tháng 3/2023 giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy tính đến hết tháng 3/2023, doanh số bán nhà tại Mỹ đã giảm 13 trong 14 tháng liên tiếp. Thị trường nhà đất Mỹ bất ngờ phục hồi trong tháng 2/2023, khi đó doanh số tăng 13,75% so với tháng liền trước. Tuy nhiên sau khi lãi suất thế chấp tăng cao hơn, doanh số bán nhà giảm trở lại.

Sự suy giảm của thị trường nhà đất hiện bắt đầu gây sức ép lên giá nhà. Lần đầu tiên trong 11 năm, giá nhà đã giảm liên tiếp 2 tháng. Giá nhà đang sử dụng trung bình trong tháng 3/2023 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước xuống mức trung bình 375.700USD và như vậy có mức hạ theo năm sâu nhất tính từ tháng 1/2012, NAR công bố.

Giá nhà trung bình tại Mỹ như vậy thấp hơn 9,2% so với ngưỡng kỷ lục 413.800USD/căn trong tháng 6/2022. Giá nhà tại khu vực miền Tây nước Mỹ từng tăng mạnh nhất cả nước trong nhiều năm thế nhưng giờ đây đang giảm sâu nhất.

Thị trường bất động sản Mỹ đã chững lại đáng kể trong năm vừa qua khi mà lãi suất thế chấp tăng lên, giá nhà cao cũng như người mua nhà không hài lòng khi nguồn cung trên thị trường hạn chế.

Theo Trung Mến/thoidai.com.vn