Tích cực ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất ngành Dệt may
Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với ngành Dệt may có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hướng đến xuất khẩu bền vững.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay ngành Dệt may Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể như: Vị trí địa lý với hệ thống cảng biển thuận lợi; khả năng sản xuất đa dạng và sản xuất sản phẩm giá trị cao; tốc độ giao hàng nhanh hơn cùng với khả năng sản xuất linh hoạt...
Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường tiềm năng.
Song song với thuận lợi, thì vẫn có những điểm yếu kiềm chế sự phát triển của ngành này như: Về phát triển mở rộng chuỗi cung ứng, hiện nay vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước; Đầu tư sản xuất sợi, dệt nhuộm gặp khó do chính quyền địa phương lo ngại về ô nhiễm môi trường...
Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thiết kế thời trang, đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Việc lệ thuộc lớn vào nguồn cung vải và nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc và các thị trường khác đã làm ngành Dệt may Việt Nam mất nhiều lợi thế cạnh tranh.
Hiện nay, ngành Dệt may có 6 xu hướng phát triển chính. Thứ nhất là tính bền vững và thời trang tuần hoàn, đề cập đến việc các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG, tiêu chuẩn xanh hướng đến Net Zero.
Thứ hai là số hóa công nghiệp 4.0, đề cập đến việc tăng cường tích hợp công nghệ, tự động hóa và phân tích dữ liệu vào sản xuất dệt may.
Thứ ba là người mua chủ động do ảnh hưởng của sử dụng các nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng được nhìn thấy và “chốt đơn” sản phẩm ngay trên môi trường thương mại điện tử.
Thứ tư là xu hướng lao động chất lượng cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều có nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề cao như kỹ sư, quản lý, chuyên gia thiết kế, kiểm tra chất lượng và lao động được đào tạo chuyên nghiệp…
Thứ năm là xu hướng sử dụng vật liệu tiên tiến nhằm hướng đến thân thiện môi trường và phát triển bền vững.
Thứ sáu là sự biến động thương mại địa chính trị. Những thay đổi liên tục trong động lực thương mại toàn cầu và thuế quan ảnh hưởng đến ngành Dệt may, dẫn đến việc thiết lập lại chuỗi cung ứng lớn. Hơn nữa, động thái dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc sang các quốc gia khác có thể tạo cơ hội cho ngành Dệt may của Việt Nam.
Để giúp ngành Dệt may Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, các chuyên gia năng suất, chất lượng cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hướng đến xuất khẩu bền vững.
Việc này đã và đang được nhiều doanh nghiệp hiện thực hóa, điển hình như trường hợp Tổng công ty May 10.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0, những năm qua, Tổng công ty May 10 đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, qua đó rút ngắn được thời gian sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhiều thiết bị tự động được sử dụng hiệu quả như hệ thống chuyền treo giúp tăng 30% năng suất; hệ thống máy trải vải tự động, máy cắt tự động, máy lập trình, máy thùa đính tự động… giúp tăng năng suất từ 150 - 200%...