Tiềm năng thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn đầu của hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) và tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng như tái cơ cấu nền kinh tế đang được đẩy mạnh, nhiều chuyên gia nhận định, hoạt động M&A sẽ thực sự bùng nổ ở nước ta trong thời gian tới.

Tiềm năng thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp
Hoạt động M&A sẽ thực sự bùng nổ ở nước ta trong thời gian tới. Nguồn: internet

Theo thống kê, năm 2013, thị trường M&A nước ta có 478 thương vụ M&A trong nước thành công và 6 thương vụ doanh nghiệp Việt Nam mua cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài. Trong giai đoạn 2008 - 2013, tổng giá trị các thương vụ M&A trong nước ước đạt 15 tỷ USD. Và, M&A được xem như công cụ quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhiều hoạt động mua bán giá trị lớn đã được thực hiện thành công.

Có thể thấy, những đòi hỏi nội tại của đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như tái cơ cấu nền kinh tế sẽ mang lại một làn sóng mới, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 2014 - 2018, giai đoạn - làn sóng thứ hai của hoạt động M&A. Báo cáo sơ kết về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong 7 tháng cho thấy, tính đến hết tháng 7, cả nước đã sắp xếp lại 76 doanh nghiệp. Trong đó, đã cổ phần hóa 55 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành đạt 2.975 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cả năm 2013. Và, cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt toàn bộ 20 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền.

Giai đoạn 2014 - 2018 cũng là giai đoạn tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, tiến độ thực hiện đề án cổ phần hóa (432 doanh nghiệp nhà nước) đang được đẩy mạnh. Đại diện Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ khẳng định, từ nay đến hết năm 2015, mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước còn lại hoàn toàn có thể thực hiện được. Cùng với đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng, các cuộc phát hành cổ phiếu của công ty ra công chúng lần đầu (IPO) của nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn như Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), các doanh nghiệp giao thông - vận tải sẽ là nguồn hàng quan trọng, tiềm năng cho việc lựa chọn đối tác chiến lược lớn, các thương vụ M&A cũng như thị trường M&A trong giai đoạn làn sóng thứ hai.

Ngoài ra, nền kinh tế đang dần hồi phục; cải cách thể chế, khung khổ pháp lý đang được tích cực đẩy mạnh nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động M& A, nhất là một số dự án Luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang được sửa đổi, bổ sung và sẽ được ban hành thời gian tới. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng, tạo động lực cho thị trường M&A phát triển mạnh mẽ và bền vững. Giám đốc Công ty Tư vấn M&A Recof (Nhật Bản) Masataka Yoshida cũng cho rằng, làn sóng M&A thứ hai của Việt Nam sẽ được chính quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hậu thuẫn.

Đây là một trong những kênh chính, chủ yếu tạo nguồn hàng khả thi, mang lại thành công cho những thương vụ M&A diễn ra trong làn sóng M&A thứ hai tới đây. Cụ thể, đại diện Công ty AVM Vietnam cho biết, nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đang trong quá trình tìm kiếm và đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Đây là thời gian chuẩn bị cho các thương vụ mua bán, sáp nhập lớn dự kiến sẽ diễn ra trong làn sóng thứ hai, với tổng giá trị ước tính lên tới 20 tỷ USD. Trong đó có một số thương vụ bán vốn lớn như: bán 25% cổ phần của Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas), ước thu về hơn 2 tỷ USD; bán 25% cổ phần Công ty Thông tin di động (VMS) ước thu về khoảng 850 triệu USD.

Tuy nhiên, trở ngại trong tiếp cận thủ tục pháp lý, sự chuyên nghiệp và minh bạch về hệ thống sổ sách, cũng như quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam còn khá chậm, là những hạn chế, gây trở ngại cho hoạt động M&A thời gian tới. Bởi vậy, các doanh nghiệp phải tự thân vận động, nỗ lực, cùng với các cơ quan chức năng thúc đẩy quá trình cổ phần hóa nhanh hơn, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho làn sóng M&A thứ hai.