Tiềm năng xuất khẩu tín chỉ carbon từ lúa, dừa, điều


Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Ngoài lúa, dừa và điều cũng là hai loại cây trồng có thể tạo ra tín chỉ carbon.

Trồng dừa có nhiều tiềm năng xuất khẩu tín chỉ carbon. Ảnh: Internet.
Trồng dừa có nhiều tiềm năng xuất khẩu tín chỉ carbon. Ảnh: Internet.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn xuất khẩu tín chỉ carbon.

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương.

Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương. Ngoài lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp cũng là một trong những lĩnh vực được quan tâm nhất hiện nay khi có thể tạo ra tín chỉ carbon.

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ, có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế đem về gần 300 triệu USD/năm.

Thực hiện cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế của Việt Nam về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; tiếp tục quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, cũng như cụ thể hóa thị trường tín chỉ carbon. Sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được thành lập và dự kiến tiến hành thử nghiệm từ năm 2025.

Trước tiềm năng xuất khẩu tín chỉ carbon từ lúa, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon (1 tấn carbon bằng 1 tín chỉ carbon). Theo đó, trồng 1 triệu ha lúa, người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ bán tín chỉ carbon.

Nghệ An: Tạo tín chỉ carbon từ sản xuất lúa

Trong bối cảnh Nhà nước triển khai các chính sách về thị trường tín chỉ carbon, Nghệ An là một trong những địa phương khởi động tín chỉ carbon từ sản xuất lúa.

Được biết, các cơ quan ban hành tỉnh Nghệ An phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang tính toán triển khai tạo tín chỉ carbon chủ yếu từ giảm phát thải khí mê-tan trong sản xuất lúa do mê-tan là loại khí nhà kính phát sinh lớn trong quá trình sản xuất lúa.

Với diện tích trồng lúa trên 180.000 ha, mỗi năm Nghệ An có tổng sản lượng lương thực trên dưới 1,1 triệu tấn/năm đồng thời có tiềm năng lớn trong giảm phát thải, tiềm năng giảm 1,44 triệu t-CO2e.

Dự án hợp tác nhằm phát hành tín chỉ carbon trong sản xuất lúa được bắt đầu triển khai thử nghiệm từ vụ xuân 2024, dự kiến ở mùa đầu tiên, dự án sẽ thực hiện trên diện tích gần 6.000 ha lúa ở các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu..., với 31 xã tham gia thực hiện, quy mô thực hiện là 5.339,5 ha, với khoảng 24.000 hộ dân tham gia.

Được biết, đây là dự án lần đầu tiên triển khai tại Nghệ An cũng như Việt Nam để lấy tín chỉ carbon trong trồng lúa, có sự hỗ trợ của JICA.

Dự án áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ (Nông Lộ Phơi) trên các cánh đồng lúa, một phương pháp ngăn chặn sự phân hủy kỵ khí (tạo ra khí metan) của đất bằng cách để khô và phơi bề mặt của ruộng để hướng đến giảm phát thải khí nhà kính.

Đắk Lắk: Trồng lúa xanh bán tín chỉ carbon

Giống như Nghệ An, Đắk Lắk không được tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp của Chính phủ triển khai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng tỉnh vẫn mong muốn chuyển đổi sản xuất lúa nước tại địa phương theo hướng xanh và giảm phát thải nhằm tăng thêm thu nhập  bán tín chỉ carbon từ việc trồng lúa.

Theo thống kê, Đắk Lắk hiện có khoảng hơn 100 nghìn ha lúa nước, chiếm khoảng 34,98% diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh.

Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt gần 70 tạ/ha, năm 2023 sản lượng ước đạt khoảng 800.000 tấn/năm.

Đơn vị thu mua tín chỉ carbon cho Đắk Lắk là thành viên của Công ty Netzero carbon Thái Lan. Sau khi làm việc trực tiếp với địa phương, công ty cam kết chỉ cần ra báo cáo giảm phát thải là mua ngay mà không cần có đơn vị thứ ba cấp tín chỉ.

Giải pháp canh tác lúa được áp dụng theo quy trình canh tác lúa ướt khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế IRRI trên diện tích 42 ha. Năng suất dự kiến đạt 11 tấn/ha.

Khi áp dụng mô hình này, mỗi ha sẽ tạo ra 3 tín chỉ Carbon, được thu mua với giá 20 USD/tín chỉ, như vậy là khoảng hơn 1,5 triệu đồng/ha.

Bình Phước: Trồng điều để tạo tín chỉ carbon

Bình Phước có diện tích rừng hơn 1,5 triệu ha, tỷ lệ che phủ 22,57%. Đây là nguồn dự trữ carbon tiềm năng cho việc phát triển thị trường tín chỉ carbon. Với tiềm năng to lớn về rừng và nông nghiệp, Bình Phước được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển thị trường tín chỉ carbon. 

Tận dụng lợi thế sẵn có, tháng 5/2024, UBND tỉnh Bình Phước ban hành kế hoạch về phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Mục tiêu của kế hoạch này là phấn đấu nâng năng suất chất lượng các loại rừng, quy hoạch hài hòa các loại rừng, đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng đạt 21%. 

Ngoài rừng, Bình Phước còn một thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có, đó là Bình Phước có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước, chiếm hơn 50% diện tích điều của Việt Nam.

Trong khi đó, cây điều có khả năng hấp thụ lượng lớn CO2, góp phần giảm thiểu khí thải nhà kính. 

Chính vì thế, từ năm 2022, Bình Phước đã triển khai chương trình trồng điều tạo chứng chỉ carbon với mục tiêu phát triển vùng trồng điều bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc phát triển vùng trồng điều theo hướng bền vững có thể tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân và góp phần bảo vệ môi trường.

Theo thống kê, cây điều tạo ra tín chỉ carbon cao nhất khi mà một cây điều có thể hấp thụ 400kg carbon cả vòng đời và nếu được trồng theo tiêu chuẩn quốc tế thì cứ 2,5 cây điều sẽ tạo ra một tín chỉ carbon.

Bến Tre, Bình Định: Trồng dừa bán tín chỉ carbon

Bến Tre và Bình Định là 2 địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất nhì Việt Nam - Bến Tre hơn 79.000 ha, còn Bình Định hơn 9.300 ha.

Ngoài giá trị kinh tế mang lại từ các sản phẩm, cây dừa còn có tiềm năng khai thác tín chỉ carbon, thu tiền tỉ về cho người trồng.

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn cầu với diện tích khoảng 188.000 ha, chủ yếu tập trung tại Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu ngành dừa đạt 900 triệu USD. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, nhận định, khoảng cuối năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dừa có thể đạt 1 tỷ USD.

Theo nghiên cứu, với mỗi cây dừa trồng hơn 10 năm, số tín chỉ carbon có thể tính như giá trồng cây rừng là khoảng 1 USD/cây, 1ha dừa mỗi năm có hấp thụ được 70 - 75 tấn CO2.

Theo tính toán, với diện tích dừa đang có và khả năng hấp thụ carbon của cây trồng này, khi bán tín chỉ carbon theo mức giá tương tự như tín chỉ carbon rừng (5 USD/tấn CO2) thì ngành này có thể thu thêm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Giữa tháng 4, tỉnh Bến Tre cũng bắt đầu thực hiện đánh giá tiềm tham gia thị trường carbon của tỉnh. Trong đó, nghiên cứu và xây dựng tín chỉ carbon tỉnh Bến Tre trong các lĩnh vực, tập trung cho đối tượng cây dừa. 

Bến Tre có trên 79.000 ha vườn dừa. Ước tính trung bình 1 ha dừa có thể lưu giữ từ 25 - 75 tấn CO2. Với giá bán tín chỉ carbon thấp nhất là 5 USD/tấn CO2 như hiện nay, tỉnh Bến Tre có thể thu về 10 - 30 triệu USD từ cây dừa.

Muốn tham gia thị trường carbon, người dân (hoặc thuê đơn vị có chức năng) phải đo được hiện trạng ban đầu diện tích dừa này hấp thụ bao nhiêu carbon trong tự nhiên và thải ra tự nhiên bao nhiêu khí nhà kính từ các hoạt động liên quan như bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, đốt lá dừa, xơ dừa, và các loại phế phụ phẩm…

Bình Định được xem là "thủ phủ" dừa của miền Trung. Trong đó, cây dừa phân bố tập trung nhiều nhất ở thị xã Hoài Nhơn (3.050 ha), huyện Phù Mỹ (3.000 ha), huyện Hoài Ân (1.950 ha), huyện Phù Cát (1.530 ha)...

Với diện tích vườn dừa gần 9.400 ha, mỗi năm người dân tỉnh Bình Định có thể kiếm thêm hàng chục tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon.

Theo Hà My/kinhtemoitruong.vn