Tiền ảo và vấn đề xây dựng khung khổ pháp lý quản lý tiền ảo tại Việt Nam

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2019

Hiện nay, nhận thức của người dân về tiền ảo và bản chất của nó chưa thật sự đầy đủ. Điều này đã dẫn tới không ít các hoạt động liên quan đến tiền ảo lợi dụng tính phức tạp về công nghệ và sự thiếu hiểu biết của công chúng để huy động vốn trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và làm phức tạp thêm tình hình kinh tế - xã hội. Bài viết làm rõ bản chất của tiền ảo trên cơ sở đối chiếu với bản chất, chức năng và các nguyên tắc phát hành, lưu thông của tiền tệ truyền thống, qua đó, đưa ra những gợi ý về vị trí pháp lý của tiền ảo và kiến nghị hướng xây dựng khung pháp lý về tiền ảo cho Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao lần lượt xuất hiện và từng thành những loại tài sản, hàng hóa tham gia lưu thông, trở thành công cụ đầu tư hoặc phương tiện thanh toán, trong đó có các loại tiền ảo như: Bitcoin, ethereum, litecoin, monero, ripple… Tuy nhiên, cho đến nay nhận thức về tiền ảo và bản chất của nó cũng chưa thật sự đầy đủ. Điều này dẫn đến mỗi quốc gia có những cách tiếp cận và quản lý khác nhau: Có quốc gia chấp nhận như một loại phương tiện thanh toán nhưng cũng có quốc gia hoàn toàn không thừa nhận và không cho phép lưu thông và trong hiện tại trên thế giới chưa có một khung pháp lý dành riêng cho tiền ảo.

Trong bối cảnh đó, không ít các hoạt động liên quan đến tiền ảo lợi dụng lỗ hổng về pháp lý, tính phức tạp về công nghệ và sự thiếu hiểu biết của công chúng để huy động vốn trái phép hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và làm phức tạp thêm tình hình kinh tế - xã hội.

Tiền ảo có phải là tiền tệ?

Tiền ảo hay tiền điện tử, còn gọi là tiền mã hóa thường được gọi chung là tiền ảo cho đến nay chưa có một khái niệm thống nhất. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu, tiền điện tử theo nghĩa rộng được định nghĩa là sự lưu trữ điện tử của một giá trị tiền tệ trên một thiết bị kỹ thuật. Nó được sử dụng rộng rãi để thanh toán cho một thể nhân mà không phải là nhà phát hành, trong đó không nhất thiết phải cần tới sự tham gia trực tiếp của các tài khoản ngân hàng trong giao dịch.

Theo Hội đồng Bank for International Settlement định nghĩa, tiền điện tử là giá trị được lưu giữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu giữ trong một thiết bị thuộc sở hữu của khách hàng. Định nghĩa này bao gồm cả thẻ trả trước (còn được gọi là ví điện tử) và các sản phẩm trả trước dưới dạng phần mềm, sử dụng các hệ thống máy tính kết nối như internet (còn được gọi là tiền mặt điện tử).

Tại Mỹ, tiền ảo được xem là bất kỳ loại đơn vị số nào được sử dụng làm môi trường trao đổi hoặc một hình thức lưu trữ số. Theo đó, tiền ảo được hiểu là bao gồm các đơn vị trao đổi kỹ thuật số, trong đó: Có một kho lưu trữ tập trung hoặc được quản lý bởi một quản trị viên; Hoặc được phân cấp và không có kho lưu trữ tập trung hoặc không được quản lý bởi một quản trị viên; Hoặc có thể được tạo ra hoặc thu được bằng cách tính toán hoặc sản xuất. Như vậy, tiền ảo được hiểu không bao gồm bất kỳ khoản nào sau đây:

- Các đơn vị kỹ thuật số được sử dụng trong các hoạt động chơi game trực tuyến; Không có thị trường hoặc ứng dụng nào ngoài các hoạt động chơi game; Không được chuyển đổi qua lại giữa tiền pháp định và tiền ảo; Có thể hoặc không thể được sử dụng vào cho hàng hóa.

- Các đơn vị kỹ thuật số có thể được mua lại cho hàng hóa, dịch vụ, giảm giá hoặc mua hàng như là một phần của chương trình tích điểm hoặc trao thưởng cho khách hàng với người phát hành và/hoặc các thương nhân được chỉ định khác; Hoặc có thể mua lại cho các đơn vị kỹ thuật số trong chương trình khuyến mại hay khen thưởng của khách hàng khác nhưng không thể được chuyển đổi hoặc đổi lấy tiền pháp định hoặc tiền tệ ảo hoặc các đơn vị kỹ thuật số được sử dụng như là một phần của thể trả trước.

Cũng tại Mỹ, theo Luật mẫu của Mỹ: Tiền ảo là đại diện kỹ thuật số có giá trị: Được sử dụng như một phương tiện trao đổi; Không phải là tiền pháp định, có hoặc không có giá trị như tiền pháp định; Không bao gồm giao dịch, trong đó người bán cấp giá trị như một phần của mối quan hệ hoặc phần thưởng chương trình, mà giá trị không thể được lấy từ hoặc trao đổi với các loại tiền hợp pháp, tín dụng ngân hàng hoặc tiền ảo khác; Hoặc là đại diện kỹ thuật số hoặc của giá trị do hoặc đại diện cho nhà xuất bản phát hành trò chơi trực tuyến, nền tảng trò chơi hoặc các dạng trò chơi hơn là được thiết kế cho tiền ảo hoặc tiền pháp định, thẻ ngân hàng trên thực tế vượt ra ngoài phạm vi trò chơi.

Tại châu Âu, tiền ảo được định nghĩa là “một đại diện số của giá trị không phải do Ngân hàng Trung ương hoặc cơ quan nhà nước phát hành, cũng gắn với đồng tiền pháp định, không có tư cách pháp lý về đồng tiền hoặc tiền, nhưng được chấp nhận bởi các cá nhân hoặc pháp nhân như là một phương tiện trao đổi hoặc cho các mục đích khác và có thể được chuyển giao, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử.

Mặc dù có những cách hiểu khác nhau ở các quốc gia nhưng về bản chất có thể rút ra một số đặc điểm đối với tiền ảo như sau:

- Về chủ thể thể “tạo tiền”: Khác với tiền tệ theo cách hiểu truyền thống do Ngân hàng Trung ương phát hành, tiền ảo là do một người hoặc một nhóm người tạo hoặc “đào” ra trên cơ sở ứng dụng các công nghệ hiện đại, được mã hóa và được lưu trữ trong hệ thống máy tính có giá trị quy đổi thể hiện thông qua đồng tiền truyền thống. Điều này làm cho tiền ảo trở thành công cụ dự trữ giá trị và công cụ để đầu tư.

- Về chức năng thanh toán của tiền ảo: Thực tiễn cho thấy, trong một số trường hợp, tiền ảo có thể được mua bán, trao đổi, đầu tư hoặc là phương tiện thanh toán trong các giao dịch có phạm vi hạn chế. Thế nhưng, chức năng thanh toán này không thay thế cho đồng tiền truyền thống, vì về bản chất chức năng thanh toán của tiền ảo trong giao dịch không ương ứng như vai trò của một phương tiện trung gian thanh toán theo quy luật ngang giá. Thực chất, tiền ảo trong trường hợp này là một loại tài sản được các bên chấp nhận trao đổi, có giá trị tương đương với các tài sản, hàng hóa đối ứng.

Để bảo đảm việc sản xuất và lưu thông, đầu tư tiền ảo không gây nguy hại đến chính sách tiền tệ quốc gia và việc điều hành nền kinh tế, nên ghi nhận tiền ảo như loại loại tài sản đặc biệt, được phép lưu thông theo những quy chế đặc thù và không xem tiền ảo là một loại tiền, không công nhận chức năng là phương tiện thanh toán của tiền ảo.

- Về hình thức tồn tại: Tiền ảo được tạo ra và được lưu trữ dưới dạng điện tử gắn với đồng tiền của các quốc gia. Hay nói cách khác, giá trị của tiền ảo được đo lường bởi đồng tiền quốc gia cũng như bất kỳ tài sản nào được phép lưu thông. Vi vậy, bản thân tiền ảo chỉ có thể trở thành phương tiện thanh toán cho các giao dịch điện tử mà không trở thành đồng tiền thanh toán cho các giao dịch giao kết theo phương thức truyền thống bởi nó không tồn tại trong thế giới khách quan. Việc tạo ra tiền ảo cũng không dựa trên bất kỳ sự bảo đảm về giá trị nào và cũng không dựa vào bất kỳ tín hiệu nào của thị trường tiền tệ. Điều này khác hoàn toàn so với đồng tiền truyền thống.

Với những đặc điểm trên, đối chiếu với chức năng, nguyên tắc phát hành và lưu thông tiền tệ cho thấy, tiền ảo về bản chất không thể được xem là một loại tiền đúng nghĩa vì nó không đáp ứng các yêu cầu, nguyên tắc và thông lệ quốc tế trong hoạt động phát hành và lưu thông tiền tệ. Vì vậy, tiền ảo chỉ nên được coi là một tài sản đặc biệt tồn tại dưới dạng vô hình, có thể là đối tượng của các giao dịch mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế hoặc có thể dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Quan điểm của một số quốc gia về xây dựng khung pháp lý cho tiền ảo

Tiền ảo là một loại tài sản mới do con người tạo ra, kết hợp với công nghệ khá tinh vi đã trở thành một hiện tượng xã hội mà muốn hay không muốn các nhà lập pháp và các nhà quản lý phải đối diện. Lúc này, tiền ảo chỉ là một loại tài sản được giao lưu, mua bán, trao đổi, thanh toán trong các giao dịch của những người tạo ra hoặc có liên quan đến quá trình hình thành và lưu thông của nó.

Tuy nhiên, hiện nay, tiền ảo đã thoát khỏi đời sống khép kín ảo đang trở thành những tài sản, phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư, phương thức huy động vốn… trong đời sống thực tế với sức lan tỏa của tiền ảo ngày càng mạnh mẽ. Do đó, việc xây dựng khung pháp lý về tiền ảo là cần thiết. Tuy nhiên, quan điểm và cách tiếp cận của các quốc gia về xây dựng khung pháp lý về tiền ảo hiện nay không giống nhau. Cách tiếp cận và ghi nhận vị trí pháp lý về tiền ảo của các quốc gia có thể chia thành 4 cấp độ sau đây:

- Cấm lưu hành trên diện rộng: Pháp luật cấm hoàn toàn các tổ chức, cá nhân giao dịch, mua bán, sử dụng tiền ảo để thanh toán hoặc lưu thông dưới bất cứ hình thức nào. Đại diện cho các quốc gia này là: Nga, Ấn Độ, Banladesh, Bolivia, Ecuador… Tại các quốc gia này không đặt ra vấn đề xây dựng khung pháp lý cho tiền ảo.

- Cấm sử dụng, lưu thong tiền ảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng: Việc không thừa nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp do lo ngại ảnh hưởng đến chính sách tài chính - tiền tệ của quốc gia. Các quốc gia thuộc cấp độ này gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Ba Lan…

- Không cấm sử dụng, lưu thông tiền ảo, không thừa nhận quy chế pháp lý của tiền ảo nhưng cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra đối với những người sử dụng, các nhà đầu tư. Các nước thuộc cấp độ này đều gián tiếp hoặc trực tiếp không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán và không công nhận tiền ảo thay thế cho đồng tiền truyền thống của quốc gia mình, điển hình như: Australia, Argentina, Đan Mạch…

- Chấp nhận tiền ảo như một phương tiện thanh toán chính trong nền kinh tế: Các quốc gia thuộc cấp độ này thừa nhận tiền ảo là một phương tiện thanh toán tồn tại song song với đồng tiền quốc gia. Việc sản xuất và lưu thông tiền ảo chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Đại diện cho cấp độ này là các quốc gia Nhật Bản, Anh…

Xây dựng khung pháp lý về quản lý tiền ảo tại Việt Nam

Tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý về quản lý tiền ảo nên cũng chưa có khái niệm chính thức về đồng tiền này. Trong các quy định hiện hành (bao gồm cả Bộ Luật Dân sự năm 2015), Việt Nam chưa có một quy định cụ thể về tài sản ảo (bao gồm cả tiền ảo với tư cách là một loại hình tài sản ảo). Tuy nhiên, theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử thì các loại tiền ảo (ví dụ như Bitcoin) không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm theo hình thức thương mại điện tử.

Theo quan điểm của Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin), “Bitcoin không đáp ứng các đặc tính cơ bản của hàng hóa hay dịch vụ. Do đó, Bitcoin không phải là hàng hóa, dịch vụ”. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đưa ra thông điệp và cảnh báo, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Trên thực tế, các hoạt động đầu tư, giao dịch, và huy động vốn bằng tiền ảo đã, đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, mặc dù chưa có khung pháp lý điều chỉnh. Theo thống kê, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 9 tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện thí điểm dịch vụ ví điện tử (một hình thức của tiền ảo) bao gồm: MobiVi, VietUnion, VNPay, VinaPay, Smartlink, M_Service, VNPT-EPAY… Tính đến ngày 31/12/2013, tổng số ví điện tử phát hành đạt trên 1,84 triệu, số giao dịch đạt khoảng 4,5 triệu với tổng giá trị 350 tỷ đồng.

Mới đây, tại  TP. Hồ Chí Minh, vụ việc Giám đốc  Công ty Đầu tư  máy đào tiền ảo Sky Mining (được thành lập năm 2017) đã kêu gọi nhà đầu tư góp vốn với nhiều mức tiền khác nhau, từ 500 USD tới hàng ngàn USD đang dấy lên những lo ngại và yêu cầu bức thiết cần có khung pháp lý về quản lý tiền ảo ở Việt Nam. Khảo sát cho thấy, mức lợi nhuận nhà đầu tư có thể lên tới 300% (trong thời gian 12 - 15 tháng) thông qua việc ký kết hợp đồng góp vốn mà Công ty Sky Mining đưa ra để mời gọi các nhà đầu tư. Sau thời gian đầu trả lãi đúng hẹn, đến khoảng tháng 6/2018, Công ty bắt đầu chậm trễ và không trả lãi suất như cam kết và cho đến nay, nhà đầu tư không nhận được bất kỳ khoản tiền nào, Công ty Sky Mining cũng không đưa ra thông báo chính thức về sự vắng mặt của Ban Lãnh đạo Công ty Sky Mining. Như vậy, sau sự kiện này, tính sơ bộ có khoảng 11.000 nhà đầu tư đã bị thiệt hại do rót tiền vào mạng lưới này.

Việc xây dựng khung pháp lý về tiền ảo góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam, hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan; cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Kế tiếp là vụ việc huy động vốn bằng tiền ảo iFan, là một công ty độc lập của Singapore hoạt động thông qua iFan việc chào bán lần đầu tiền ảo ra công chúng ICO. Theo dự án ICO iFan, những người huy động vốn yêu cầu các nhà đầu tư phải mua lượng token tối thiểu 1.000 USD. Sau đó, người đầu tư phải trải qua quá trình cho vay với lãi suất  "khủng" lên đến vài chục phần trăm mỗi tháng. Việc này nhằm kéo dài thời gian sống cho dự án. Trong lúc cho vay, người đầu tư được khuyến khích kêu gọi người mua vào để hưởng hoa hồng theo nhiều mức. Chính số tiền của những người vào sau được dùng để trả cho những người trước. Những người huy động vốn đã sử dụng hình ảnh, tên tuổi của những ca sỹ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng để quảng bá, tạo niềm tin trong công chúng, đặc biệt là đối với các fan hâm mộ họ. iFan hứa hẹn chi trả phần trăm nhưng sau khi thu được số tiền lớn Ifan tuyên bố quy đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. IFan quy định giá công bố 5 USD trên một đồng tiền số. Tuy nhiên, giá thực tế của đồng tiền số này trên thị trường chỉ là 0,01 USD/một đồng. Đây là một hình thức đầu tư rất rủi ro vì thiếu minh bạch, thiếu sự quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chưa có bất kỳ quy định pháp luật nào điều chỉnh.

Trước thực tế trên cùng với xu hướng ngày càng có nhiều quốc gia xem tiền ảo như một đối tượng cần phải có sự quản lý bằng pháp luật, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tiền ảo. Yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia và cũng là giải pháp mà Việt Nam chủ động hội nhập cũng như ứng phó với tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Hơn nữa, khung pháp lý liên quan đến tiền ảo được xây dựng cộng với sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, các nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn trong quá trình kinh doanh, hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân theo đó cũng được hạn chế, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, ổn định kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để bảo đảm việc sản xuất và lưu thông, đầu tư tiền ảo không gây nguy hại đến chính sách tiền tệ quốc gia và việc điều hành nền kinh tế, Việt Nam nên ghi nhận tiền ảo như loại loại tài sản đặc biệt, được phép lưu thông theo những quy chế đặc thù và không xem tiền ảo là một loại tiền, không công nhận chức năng là phương tiện thanh toán của tiền ảo.

Ngày 27/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo Đề án này, việc xây dựng khung pháp lý về tiền ảo sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan; cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Tài liệu tham khảo:

1. Mười loại tiền ảo phổ biến nhất hiện nay, https://news.zing.vn/10-loai-tien-ao-pho-bien-nhat-hien-nay-post758044.html. Truy cập ngày 11/12/2018;

2. Lê Thị Tuyết Hoa, Nguyễn Thị Nhung (2011), Tiền tệ ngân hàng, NXB Phương Đông, tr. 1;

3. Nguyễn Văn Ngôn (1993), Tiền tệ và ngân hàng, Viện Đào tạo mở rộng TP. Hồ Chí Minh, tr. 19-29;

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2000), Báo cáo “Tiền điện tử và ảnh hưởng của tiền điện từ tới chính sách tiền tệ”. Xem tại: https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/hdk/hdkhcn/htnc.

5. Luật mẫu của Mỹ: http://www.uniformlaws.org/shared/docs/regulation%20of%20virtual%20currencies/2017AM_URVCBA_AsApproved.pdf .

6. European Parliament 2017: http://www.europarl.europa.eu/cmsdata/150761/TAX3%20Study%20on%20cryptocurrencies%20and%20blockchain.pdf , p.73;

7. Lê Anh Dũng (2018), Một góc nhìn về tiền ảo – gợi ý cách thức quản lý tiền ảo nhìn từ trường hợp Thái Lan, Kỷ yếu Hội thảo “Khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cach mạng công nghệ 4.0” do Bộ Tư pháp tổ chức tháng 6/2018 tại TpHồ Chí Minh;

8. Nguyễn Thị Hiền, Một số khuyến nghị hoàn thiện khung pháp lý quản lý các loại tiền ảo, tiền điện tử: https://www.google.com/h?source=hp&ei=XRoPXP6xHIT58QWKrZywDQ&q=M%E1%BB%99t+s%E1%BB%91+khuy%E1%BA%BFn+ngh%E1%BB%8B+ho%C3%A0n+thi%E1%BB%87n+khung+ph%C3%A1p+l%C3%BD+qu%E1%BA%A3n+l%C3%BD. Truy cập ngày 11/12/2018;

9. Nguyễn Huỳnh Phương Thảo (2018), Nghiên cứu luật thuế các nước liên quan đến tiền mã hóa và kinh nghiệm cho Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ luật học, Đại học Kinh tế - Luật, tr. 18;

10. Mai Thoa, Hoàn thiện khung pháp lý để kiểm soát việc kinh doanh “tiền ảo”, tại: https://baomoi.com/can-hoan-thien-khung-phap-ly-de-kiem-soat-viec-kinh-doanh-tien-ao/c/27180777.epi;
11. Minh Thư, Chiêu thức huy động vốn của tiền ảo iFan, tại: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/chieu-thuc-huy-dong-von-cua-tien-ao-ifan-a225342.html.