Tiến độ giải ngân và sử dụng vốn đầu tư công năm 2017 đạt yêu cầu đặt ra


Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 20/5, các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, báo cáo kiểm toán và báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2017 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời là năm đầu thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và triển khai Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập và những yếu kém về trình độ lao động so với khu vực và thế giới, đồng thời chịu tác động của biến đổi khí hậu; thu ngân sách nhà nước từ các khu vực kinh tế không đạt dự toán Quốc hội quyết định, gây áp lực lên cân đối ngân sách, đặc biệt là ngân sách Trung ương giảm, trong khi nhu cầu chi tăng cao cả về chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi an sinh xã hội.

Vì vậy, nhiệm vụ tài chính ngân sách được Quốc hội quyết định cho năm 2017 có nhiều nội dung quan trọng đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và cả giai đoạn 2016-2020 theo định hướng Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch; riêng chỉ tiêu mức tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,81% (kế hoạch 6,7%) là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 và sự đóng góp khá đồng đều của tất cả các ngành, lĩnh vực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay giảm, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, xuất siêu 2,9 tỷ USD. Thị trường tài chính, chứng khoán khởi sắc. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm củng cố.

Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, trên cơ sở thẩm định, tổng hợp quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo quy định, báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 34 ngày 08/5/2019, Chính phủ đã có Báo cáo số 197/BC-CP ngày 13/5/2019 về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Về thu cân đối ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước là 1.212.180 tỷ đồng, quyết toán 1.293.627 tỷ đồng, tăng 6,7% (81.447 tỷ đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất 61.713 tỷ đồng, thuế xuất nhập khẩu 17.272 tỷ đồng và thu từ dầu thô.

Về chi cân đối ngân sách nhà nước, Quốc hội đã có Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 về nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2017 với mục tiêu chủ yếu là thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường kỷ luật tài chính-ngân sách, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2017.

Trong đó, yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi hội nghị, khảo sát nước ngoài, mua sắm trang thiết bị đắt tiền không cần thiết.

Theo đó, dự toán chi ngân sách nhà nước là 1.390.480 tỷ đồng, quyết toán 1.355.034 tỷ đồng, bằng 97,5% (giảm 35.446 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm (như các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu) nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện điều hành chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán ngân sách được giao. Quyết toán chi ngân sách Trung ương là 564.531 tỷ đồng, bằng 95,1% so với dự toán. Quyết toán chi ngân sách địa phương là 790.503 tỷ đồng, bằng 99,2% so với dự toán.