Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu


Với việc Chính phủ vừa có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 lên 7.496 tỷ đồng, tỉnh Tiền Giang đang tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án thành phần 2 (gọi tắt là Dự án).

Dự án kết nối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Ý Phương
Dự án kết nối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Ý Phương

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Quản lý dự án), ngày 24/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 769/QĐTTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

Theo đó, Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan chủ quản. Điểm đầu Dự án giao với Dự án thành phần 1 tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình khoảng Km98+950 (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 11,43 km; trong đó thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 3,81 km và tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km. Giai đoạn 1 quy mô Dự án gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế (mỗi làn xe rộng 3,5 m) với chiều rộng nền đường là 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe cao tốc (mỗi làn xe rộng 3,75 m) với chiều rộng nền đường là 24,75 m, vận tốc khai thác là 100 km/h.

Dự án có 2 nút giao liên thông gồm nút giao với đường tỉnh 850 thuộc địa phận huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và nút giao với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc địa phận huyện Cái Bè. Dự án có 10 cầu trên tuyến, trong đó 2 cầu thuộc tỉnh Đồng Tháp và 8 cầu thuộc tỉnh Tiền Giang; 25 cống, trong đó 10 cống thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp và 15 cống thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang. Đường gom dân sinh khoảng 11,95 km; trong đó Đồng Tháp khoảng 3 km và Tiền Giang khoảng 8,95 km.

Dự án xây dựng hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông và công trình phòng hộ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT và bố trí công trình chiếu sáng tại các vị trí nút giao.

 

Dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Sau khi có quyết định điều chỉnh của Chính phủ, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng (trong đó chi phí GPMB khoảng 1.255 tỷ đồng). Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 - 2027.

Theo Ban Quản lý dự án, trên cơ sở chủ trương đã được UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận, đơn vị đã tiến hành cắm cọc GPMB và hoàn thành bàn giao cọc GPMB chính thức cho các địa phương vào ngày 15/2/2023 để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Sau đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã có công văn về việc giao chủ đầu tư thực hiện Tiểu dự án GPMB Dự án; phê duyệt Tiểu dự án GPMB Dự án đoạn qua huyện Cái Bè (GPMB xã Tân Hưng, khu tái định cư và đường vào khu tái định cư); phê duyệt giá đất cụ thể để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ.

Ngày 21/11/2023, UBND huyện Cái Bè có Quyết định 9255 về việc phê duyệt kinh phí, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Tiểu dự án GPMB Dự án. Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp đã có Tờ trình số 30/TTr-TTPTQĐ và số 31/TTr-TTPTQĐ về việc trình Hội đồng Thẩm định phương án BT-HT&TĐC tỉnh Đồng Tháp xem xét thẩm định phương án bồi thường Dự án thành phần 2 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Riêng đối với địa bàn tỉnh Tiền Giang, hiện địa phương đã hoàn thành công tác đo đạc; đã xác định đơn giá bồi thường và tiến hành kiểm kê. Về xây dựng khu tái định cư, địa phương đang chuẩn bị thực hiện chi trả bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo Ban Quản lý dự án, Dự án được giao kế hoạch vốn năm 2023 là 459 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến ngày 18/12/2023, đơn vị đã giải ngân 356,489 tỷ đồng đạt 77,67% gồm: Giải ngân 6,489 tỷ đồng chi phí chuẩn bị đầu tư; phân bổ về chủ đầu tư Tiểu dự án GPMB 350 tỷ đồng để chi trả đền bù giải tỏa. Hiện chủ đầu tư Tiểu dự án GPMB đang tổ chức chi trả đền bù, giải tỏa, phấn đấu đến cuối tháng 12-2023 sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Cũng theo Ban Quản lý dự án, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng Dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, đơn vị đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nội dung của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh để làm cơ sở hoàn thiện và phê duyệt hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi; triển khai công tác thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công xây dựng Dự án.

Đồng thời, phối hợp với UBND huyện Cái Bè và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp triển khai hoàn thành công tác GPMB của Dự án, góp phần đảm bảo tiến độ chung của Dự án và hoàn thành công tác giải ngân nguồn vốn được giao trong năm 2023.

Theo Ý Phương/ Báo Ấp Bắc