Tiền ở đâu vào thị trường nhiều thế?

Theo ndh.vn

(Tài chính) Lượng tiền lớn vẫn loanh quanh trong thị trường và chỉ chờ điều chỉnh để mua tiếp, thay vì rút ra gửi tiết kiệm như trước.

Dòng tiền dẫn dắt thị trường kể từ Tết đến nay thuộc về tiền của nhà đầu tư cá nhân. Nguồn: internet
Dòng tiền dẫn dắt thị trường kể từ Tết đến nay thuộc về tiền của nhà đầu tư cá nhân. Nguồn: internet

VN-Index đã chính thức chạm mốc 600 điểm, lên cao nhất trong 4,5 năm qua (từ tháng 10/2009). Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, VN-Index tăng gần 100 điểm (từ 504,63 điểm lên 600 điểm, mức tăng 18,89% trong 11 tuần) trong khi HNX-Index tăng 24,11% (từ 67,84 điểm lên 84,2 điểm). Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trở thành một trong 10 TTCK nóng nhất thế giới.

Những người chốt lời tại các phiên thanh khoản tăng vọt vào ngày 20/2 (5.000 tỷ), ngày 27/2 (4.600 tỷ) vẫn mong chờ thị trường điều chỉnh để mua cổ phiếu với giá rẻ hơn. Nhưng họ không ngờ VN-Index đã tăng “một mạch” 8 phiên liên tiếp và hầu hết cổ phiếu họ bán ra đều có mức giá tăng 10-15% so với giá bán trước đây.

Đã có một lượng tiền mới tham gia thị trường sau Tết và đẩy VN-Index tăng nhanh đến như vậy. Vậy lượng tiền mới này đến từ những đâu? (i) tiền của các đại gia rút từ ngân hàng sang đầu tư chứng khoán do lãi suất tiết kiệm xuống thấp, (ii) margin lên cao nhất trong 1 năm qua, (iii) vốn từ tổ chức và các quỹ nước ngoài, (iv) hay tâm lý nhà đầu tư hưng phấn nhờ thông tin về nới room, TPP và gói giải cứu BĐS?

Rút tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán

Chưa có một con số thống kê chính thức dòng tiền chuyển từ tiền gửi tiết kiệm ngân hàng sang đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, trao đổi với một số môi giới tại các công ty chứng khoán (CTCK) lớn, kể từ Tết đến nay khá nhiều tài khoản của các VIP có giá trị vài chục tỷ đồng (tài khoản cá nhân) hoạt động trở lại.

Một số khách hàng VIP đã rút tiền gửi tiết kiệm tham gia đầu tư chứng khoán khi lãi suất tiết kiệm trên thị trường chỉ quanh 6-6,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và từ 8-9%/năm cho kỳ hạn dài.

Lãi suất tiết kiệm quá thấp, cộng với việc các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ gần như tê liệt đã khiến chứng khoán gần như là kênh đầu tư duy nhất “kiếm tiền nhanh” ở thời điểm hiện tại.

Một điểm thứ hai là trước đây một lượng tiền lớn để cho vay nặng lãi (5%/tháng) nhưng sau hàng loạt vụ vỡ nợ xảy ra thời gian vừa qua, cộng thêm lãi suất cho vay ngân hàng giảm mạnh nên hoạt động cho vay nặng lãi cũng hạn chế đáng kể. Trước đây dòng tiền nhàn rỗi nếu không gửi ngân hàng có thể qua các mối quan hệ gửi tư nhân với lãi suất cao (2%/tháng) thì nay các “đầu mối” cho vay nặng lãi không có cửa cho vay ra, đã không nhận các khoản tiền gửi gắm này và nhà đầu tư tìm đến kênh chứng khoán.

Tâm lý nhà đầu tư trên TTCK đang cực kỳ lạc quan. Thị trường dựa vào các thông tin “cũ rích” như nới room, kỳ vọng TTP hay gói giải cứu bất động sản nhưng thực sự tác động của các thông tin này thực tế có được như kỳ vọng không thì không ai biết, chỉ biết các môi giới, chuyên gia phân tích vẫn dựa vào các thông tin này kéo đẩy thị trường. Một môi giới cho biết thậm chí nhà đầu tư chứng khoán mong thông tin chính thức về nới room ra càng chậm càng tốt.

Những thông tin lơ lửng treo trên đầu nhà đầu tư vẫn có tác dụng tốt hơn là tin chính thức công bố, như một câu châm ngôn trên TTCK là “mua tin đồn, bán tin thật”. Lượng tiền lớn vẫn loanh quanh trong thị trường và chỉ chờ điều chỉnh để mua tiếp, thay vì rút ra gửi tiết kiệm như trước.

Margin hàng nghìn tỷ đồng

Trước đây dòng vốn từ ngân hàng vào chứng khoán bị hạn chế do chứng khoán bị liệt vào nhóm ngành “phi sản xuất”. Nhưng kể từ cuộc họp Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2013, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đã kiến nghị phải đánh giá lại tầm quan trọng của TTCK và ngân hàng không nên hạn chế dòng tiền vào TTCK miễn là không gây ra sở hữu chéo. Từ năm 2013 đến nay, dòng vốn từ ngân hàng vào chứng khoán đã được nới hơn rất nhiều.

Ngân hàng đã kết hợp với CTCK hợp tác “ba bên”  giữa ngân hàng – CTCK – nhà đầu tư (NĐT) để cung cấp vốn margin cho NĐT với lãi suất hiện tại chỉ từ 12%-14,5%/năm. Các CTCK nhỏ dư nợ margin khoảng 100-300 tỷ, nhưng tại các CTCK lớn, dư nợ cho vay margin hiện tại lên tới hơn 1.000 tỷ, gấp 3 con số chốt trong báo cáo tài chính kết thúc năm 2013.

Tâm lý lạc quan đã khiến NĐT mạnh dạn hơn trong việc sử dụng margin, và sau nhiều lần va vấp, vấn đề giải chấp đã không còn là vấn đề đáng ngại. NĐT đã chủ động hơn trong việc điều chỉnh tỷ lệ margin, và điều này có thể thấy trong những phiên giao dịch 4.000 – 5.000 tỷ, một lượng tiền lớn chốt lời nhưng các phiên sau đó VN-Index vẫn có thể tăng tiếp.

Tiền từ các tổ chức, các quỹ đầu tư nước ngoài

Đánh giá một cách khách quan, dòng tiền dẫn dắt thị trường kể từ Tết đến nay thuộc về tiền của NĐT cá nhân nhiều hơn dòng vốn ngoại.

Một thống kê chưa chính thức cho thấy dòng tiền tổ chức chiếm khoảng 20% thị trường, và tiền của NĐT nước ngoài chỉ từ 8-10% giá trị giao dịch toàn thị trường (cá biệt có phiên 5/3 giá trị bán ra của khối ngoại chiếm 18% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE), còn lại đa phần là tiền từ NĐT cá nhân.

Tuy nhiên tầm quan trọng của dòng tiền tổ chức và dòng vốn nước ngoài là tập trung vào các cổ phiếu chủ chốt như GAS, MSN, VNM, BVH, SSI. Khi các trụ cột tăng điểm sẽ tạo hiệu ứng lên toàn thị trường.

Kể từ đầu năm đến nay, khối ngoại mua ròng hơn 6 triệu cổ phiếu GAS (mua ròng hơn 460 tỷ). Mặc dù GAS hoàn toàn không được hưởng lợi từ dòng vốn ETF (Market Vector Vietnam ETF được rót ròng hơn 1.500 tỷ từ đầu năm) nhưng GAS vẫn là một trong các “đầu tàu” dẫn dắt VN-Index tăng điểm.

Nếu như năm 2013 rất nhiều quỹ đầu tư còn khá rụt rè và “ôm tiền” gửi lãi suất tiết kiệm thì đầu năm 2014, các quỹ trong nước đã phải tổ chức các cuộc gặp mặt doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Thời điểm hiện tại là mùa các doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh 2014 và chốt số trả cổ tức năm 2013, nhiều doanh nghiệp trả cổ tức cao như FPT (55% năm 2013), HPG (30%), REE (16%)…hay các công ty tầm trung đặt kế hoạch lợi nhuận cao hơn năm trước tiếp tục hâm nóng thị trường và khiến dòng tiền đổ vào TTCK.