Tiền tệ đang được nới lỏng?
Bên cạnh việc nới hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) còn giảm lãi suất tín phiếu. Do đó, xuất hiện ý kiến cho rằng NHNN Việt Nam đã có động thái nới lỏng tiền tệ.
Theo Báo cáo về thị trường tiền tệ tuần từ 15-19/7 vừa được SSI Research công bố, vào phiên thứ 6 tuần trước, lãi suất tín phiếu đã được NHNN điều chỉnh xuống 2,75%/năm với kỳ hạn 7 ngày, giảm 25 điểm cơ bản (bps) so với mức 3%/năm đã duy trì từ 10/10/2018.
Trong gần 4 tháng trở lại đây, tín phiếu là kênh hoạt động chính trên thị trường mở, lãi suất tín phiếu hạ sẽ khuyến khích các thành viên thị trường đẩy tiền vào nền kinh tế thay vì chuyển về NHNN. Tuần qua, NHNN bơm ròng 19.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, lãi suất trên liên ngân hàng giảm liên tục trong tuần, hiện ở mức 3,08% với kỳ hạn qua đêm và 3,18% với kỳ hạn 1 tuần, giảm lần lượt 10bps (điểm cơ bản) và 12bps so với cuối tuần trước, chênh lệch lãi suất VND-USD giảm xuống 0,6-0,7%/năm.
Nhìn lại từ cuối năm 2015, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất nhưng lãi suất tín phiếu và lãi suất thị trường mởi (OMO) của NHNN vẫn duy trì ổn định, thậm chí có một số thời điểm lãi suất OMO còn giảm rất thấp (xuống dưới 1%/năm).
“Điều này cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam được điều hành khá linh hoạt chứ không cứng nhắc theo một hướng là thắt chặt hay nới lỏng, với mục tiêu là giữ ổn định tiền tệ, thận trọng trong việc điều tiết dòng tiền và kiểm soát chất lượng tín dụng. Vì thế, nếu Fed giảm lãi suất vào cuối tháng này như dự kiến, sẽ không tác động quá lớn về chính sách tiền tệ của NHNN mà chỉ khiến cho việc thực hiện các định hướng chính sách thuận lợi hơn do giảm bớt sức ép từ tỷ giá”, báo cáo nêu rõ.
Một số ý kiến cho rằng NHNN Việt Nam đã có động thái nới lỏng tiền tệ khi vừa điều chỉnh nâng hạn mức tín dụng cho một loạt ngân hàng. Tuy nhiên, theo SSI Research, đây là định hướng từ đầu năm của NHNN, căn cứ vào diễn biến tăng trưởng tín dụng thực tế 6 tháng đầu năm 2019 vì một số lý do.
Một là, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14% nhưng hạn mức tín dụng phân bổ cho từng ngân hàng đầu năm phổ biến ở mức thấp hơn (11-13%), thậm chí một số ngân hàng như CTG, STB chỉ là 7%.
Hai là, nếu không tính VCB, 8 NHTM đã đáp ứng chuẩn BASEL II có tổng dư nợ khoảng 1.1 triệu tỷ đồng. Nếu cả 8 NHTM này được nâng hạn mức tín dụng lên mức kỳ vọng thì số dư nợ tăng thêm so với hạn mức cũ là khoảng 46 nghìn tỷ đồng tức là chỉ khoảng 0.6% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Việc NHNN giảm lãi suất tín phiếu khiến cho lợi tức trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp sụt giảm rất mạnh, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn. Mức lãi suất cụ thể các kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm là 2,71%, 2,99%, 3,56%, 4,49% và 4,76%/năm, giảm lần lượt là 25bps, 35bps, 15bps, 7bps và 9bps.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường là 39.274 tỷ đồng – giảm 5,7% so với tuần trước nhưng tỷ trong giao dịch mua bán thông thường (outright) tăng mạnh từ mức trên dưới 40% các tuần trước lên mức 57%. Mức lợi tức hiện tại đang ở vùng thấp nhất trong 1 năm gần đây, yếu tố rủi ro gia tăng cũng khiến các bên hạn chế giao dịch repo hơn.
Khối ngoại quay trở lại mua ròng sau 1 tuần bất ngờ bán ròng trước đó, giá trị mua ròng là 1.142 tỷ đồng trong đó 831 tỷ đồng mua ròng ở kỳ hạn 1-7 năm, 206 tỷ đồng ở kỳ hạn 10 năm và 104,5 tỷ đồng ở kỳ hạn 15-20 năm.
Tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay là 8.473 tỷ đồng, bằng 2,3 lần so với tổng mua ròng của cả năm 2018.