Tiền tiếp tục đổ mạnh vào chứng khoán, VN-Index lên mức 1.476,57 điểm
Thị trường chứng khoán (TTCK) phiên đầu tuần (15/11) tiếp tục xu thế tăng điểm. Tuy có những lo ngại và khuyến cáo, song theo các chuyên gia chứng khoán, xu thế tăng điểm của thị trường suốt thời gian qua đều có cơ sở của nó.
Thống kê cho thấy, kết phiên ngày 15/11, VN-Index tăng 3,2 điểm, đạt mức 1.476,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.174 triệu đơn vị, giá trị 34.045,61 tỷ đồng, tăng 22,85% về khối lượng và 28,35% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 12/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27,87 triệu đơn vị, giá trị 1.307,83 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, HNX-Index tăng 2,65 điểm, lên 444,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 204,55 triệu đơn vị, giá trị 5.082,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,44 triệu đơn vị, giá trị 113,72 tỷ đồng. Trên sàn này, tuy có 92 mã giảm, nhưng lại có gần gấp đôi (172 mã) tăng.
Thị trường UPCoM cùng chung nhịp điệu khi kết phiên, UPCoM-Index tăng 1,08 điểm (+0,98%) lên 111,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 161,19 triệu đơn vị, giá trị 3.349,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,81 triệu đơn vị, giá trị 69,46 tỷ đồng.
TTCK phái sinh và chứng quyền có chút ngược chiều khi có 3 hợp đồng tương lai giảm và 1 hợp đồng tương lai tăng nhẹ khi VN30F2111 giảm 2,9 điểm (-0,2%) xuống 1.527,8 điểm, khớp lệnh hơn 111.170 đơn vị, khối lượng mở hơn 33.460 đơn vị. Trong khi đó, trên thị trường chứng quyền, sắc đảo chiếm ưu thế, với CCHPG2111 hôm nay khớp lệnh tới 231.440 đơn vị, kết phiên giảm 7,8% xuống 1.900 đồng/chứng quyền.
Tận dụng xu thế tăng điểm của thị trường, hoạt động xả hàng và gom hàng của khối ngoại cũng hết sức sôi động. Cụ thể, trên sàn giao dịch HOSE, khối ngoại đã bán ra hơn 38 triệu đơn vị với giá trị tương ứng 1.671,96 tỷ đồng, đạt xấp xỉ về lượng và tăng 19% về giá trị so với phiên trước đó. Tuy nhiên, khối này đã mua vào với khối lượng 38,24 đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.775,29 tỷ đồng, giảm 11,68% về lượng nhưng tăng 9,48% về giá trị so với phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 12/11. Như vậy, khối ngoại đã mua ròng 234.300 đơn vị với tổng giá trị mua ròng đạt 103,33 tỷ đồng, giảm 95,33% về lượng và 52,5% về giá trị so với phiên trước đó.
Trên sàn giao dịch HNX, khối ngoại đã bán ra 4,1 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 91,71 tỷ đồng, tăng 120,4% về lượng và 141,6% về giá trị so với phiên trước đó, trong khi mua vào 517.200 đơn vị, giá trị 14,54 tỷ đồng, giảm 40,66% về lượng và 36,92% về giá trị so với phiên trước đó. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng 3,59 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 77,17 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần về lượng và 4,2 lần về giá trị so với phiên trước đó.
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua vào với khối lượng 1,01 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 55,21 tỷ đồng, tăng 33,42% về lượng và 68,74% về giá trị so với phiên trước. Ngược lại, khối này bán ra với khối lượng 673.920 đơn vị, giá trị 27,91 tỷ đồng, giảm 47,63% về lượng và 45% về giá trị so với phiên trước, cũng đồng nghĩa với việc mua ròng 331.770 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 27,3 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó bán ròng 533.020 đơn vị với tổng giá trị bán ròng đạt 18,06 tỷ đồng.
Trước xu thế tăng điểm của TTCK Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp khá nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 đang dấy lên những lo ngại về tăng trưởng bong bóng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự tăng trưởng này cũng có cơ sở, lý lẽ riêng.
Đầu tiên phải kể đến việc dỡ bỏ giãn cách xã hội trên diện rộng và từng bước mở cửa trở lại các hoạt động tại một số đầu tàu kinh tế. Bên cạnh đó, một số thông tin về các gói hỗ trợ từ Chính phủ đã tác động tích cực đến tâm lý thị trường, nhất là thông tin về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, với gói hỗ trợ quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng. Dự báo tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2025 sẽ cao hơn nhờ gói hỗ trợ này khi đạt 6,5-7% so với mức 6,4-6,8% như ước tính trước đây. Tăng trưởng kinh tế tốt tất nhiên là nền tảng vững chắc cho sự đi lên của TTCK.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê sơ bộ từ báo cáo kết quả kinh doanh các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam, bất chấp dịch bệnh bùng phát, lợi nhuận ròng quý III/2021 tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ trên toàn thị trường, và tăng trưởng 54,6% so với cùng kỳ cho kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm.
Theo TS. Lê Đạt Chí – chuyên gia kinh tế (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), tính chung kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp toàn thị trường có sự cải thiện đáng kể, nhờ vào biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 14% quý I/2020 tăng lên 21,6% vào quý III/2021, cao hơn mức trung bình 17% trong thời gian 5 năm qua. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cũng giảm và thấp hơn trung bình 5 năm, chi phí lãi vay cũng giảm cho toàn thị trường…
Bên cạnh đó, tâm lý của các nhà đầu tư vẫn “ổn định” và sức hút của TTCK vẫn rất lớn. Điều này thể hiện qua số lượng tài khoản mới mở trong thời gian qua. Thống kê cho thấy, trung bình từ tháng 01/2020 đến tháng 9/2021 trên 100.000 tài khoản/tháng. Trong đó, số tài khoản mở mới từ tháng 3/2021 đến tháng 9/2021 đều có số lượng mở mới mỗi tháng trên mức trung bình, riêng tháng 6/2021 có số lượng mở mới đạt đến trên 140.000 tài khoản.