Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2015:

Tiến triển trong xu thế thuận lợi

LH

(Taichinh) - Rất nhiều chỉ tiêu của nền kinh tế đều đạt và tăng, như Thu nội địa, Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; cũng có nhiều chỉ tiêu còn phải phấn đấu hơn nữa. Tuy nhiên, với tình hình trong nước và quốc tế có nhiều điểm sáng, tin tưởng nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đà phát triển, vượt qua khó khăn, đạt chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội kỳ vọng (6,2% trong năm 2015).

Thu xuất nhập khẩu tăng khá trong tháng 4/2015. Nguồn: internet
Thu xuất nhập khẩu tăng khá trong tháng 4/2015. Nguồn: internet

Tình hình kinh tế trong nước

Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tổng cầu trong nền kinh tế phục hồi và cung ứng hàng hóa trong nền kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt. Tình hình sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân trong nước có chuyển biến tích cực, giải ngân vốn FDI tăng khá. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn thách thức như tỷ giá của các đồng tiền trên thế giới diễn biến khó lường ảnh hưởng đến xuất khẩu; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn thấp; nhập khẩu tăng mạnh do tổng cầu trong nước hồi phục khiến nhập siêu tăng lên tương đối cao. Cụ thể:

Về giá cả: CPI tháng 4 tăng 0,14% so với tháng trước, là tháng thứ 2 liên tiếp từ đầu năm (tháng 3 tăng 0,15%). Chủ yếu là do tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 11/3/2015 và giá điện ngày 16/3/2015. IMF dự báo CPI Việt Nam ở mức 2,5% năm 2015 và sẽ tăng lên mức 3,2% vào 2016.

Về hoạt động xuất nhập khẩu: Trong tháng 4/2015, tổng trị giá XNK hàng hoá của Việt Nam ước đạt 28,2 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá XK ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 3,4% và tổng trị giá NK ước đạt 14,4 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng trước.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2015, tổng trị giá XNK hàng hoá của Việt Nam ước đạt 103,2 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó tổng trị giá XK ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% và tổng trị giá NK ước đạt gần 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ 2014.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2015 ước tính thâm hụt 600 triệu USD, nâng mức thâm hụt thương mại trong 4 tháng đầu năm 2015 lên gần 3 tỷ USD.

Về đầu tư phát triển: Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: thực hiện tháng 4 ước 14,4 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 56,27 nghìn tỷ đồng, bằng 28,9% dự toán, tăng 2,4% cùng kỳ năm 2014, trong đó: cấp bù lãi suất tín dụng nhà nước đạt 44% dự toán; chi bổ sung dự trữ quốc gia đạt 32,3% dự toán. Riêng về thực hiện vốn đầu tư XDCB, ước đến hết tháng 4, NSNN đã chuyển vốn thanh toán và tạm ứng chi theo chế độ cho các dự án 54,8 nghìn tỷ đồng, đạt 28,8% dự toán (cùng kỳ năm 2014 đạt 27,1% kế hoạch).

Tình hình thực hiện dự toán NSNN tháng 4/2015

Về thu ngân sách nhà nước: Thực hiện tháng 4 ước đạt 79,35 nghìn tỷ đồng; tính chung 4 tháng đầu năm, tổng thu NSNN thực hiện ước đạt 314,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó:

Thu nội địa: ước đạt 61,55 nghìn tỷ; lũy kế thu 4 tháng ước đạt 238,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,4% dự toán, tăng 17% so cùng kỳ năm 2014 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 14,5%), trong đó các khoản thu trực tiếp từ sản xuất - kinh doanh tiến độ thu tương đối đồng đều và khả quan: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 35,5% dự toán, tăng 13,8% so cùng kỳ; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 39,5% dự toán, tăng 12,1% so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp FDI 36,5% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ....

Thu từ dầu thô: thu NSNN ước đạt 5 nghìn tỷ đồng; Lũy kế thu 4 tháng ước đạt 23 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7% dự toán, giảm 32,6% so cùng kỳ năm 2014. Giá dầu thanh toán bình quân 4 tháng đạt khoảng 58,3 USD/thùng, giảm 41,7 USD/thùng so giá tính dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt xấp xỉ 5,7 triệu tấn, bằng 38,7% kế hoạch cả năm.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: ước đạt 12,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 4 tháng ước đạt 51,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29,4% dự toán, tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2014 (trên cơ sở: tổng thu ước đạt 81,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,3% dự toán, tăng 8,7% so cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng 30 nghìn tỷ đồng, bằng 35,3% dự toán).

Về chi NSNN: Tổng chi NSNN tháng 4 ước 94,75 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng ước đạt 362,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31,6% dự toán, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2014, trong đó: (i) Chi đầu tư phát triển: ước 14,4 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 56,27 nghìn tỷ đồng, bằng 28,9% dự toán; (ii) Chi trả nợ và viện trợ: ước 14,17 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 52,7 nghìn tỷ đồng, bằng 35,1% dự toán; (iii)Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính: ước 63,1 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 250,7 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán.

Về cân đối NSNN: Bội chi NSNN tháng 4 ước 15,4 nghìn tỷ đồng, luỹ kế 4 tháng ước 48,55 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% dự toán năm.

Về tình hình huy động vốn cho NSNN: Trong tháng 4/2015, KBNN đã tổ chức 07 phiên đấu thầu trái phiếu qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tổng số huy động đạt 8.523,4 tỷ đồng (trong đó kỳ hạn 5 năm là 5.245 tỷ đồng , bằng 61,6%; kỳ hạn 10 năm là 140 tỷ đồng, bằng 1,6%; kỳ hạn 15 năm là 3.138,4 tỷ đồng, bằng 36,8%), bằng 54,6% so với tháng 3/2015 và bằng 63,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân: Việc thị trường ngoại hối biến động trong khoảng thời gian từ giữa tháng 3/2015 đến nay đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trái phiếu trên thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, từ đầu tháng 4/2015 tới nay các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trái phiếu trên thị trường thứ cấp. Xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn trên thị trường chứng khoán trong thời gian từ giữa tháng 3/2015 đến nay là tín hiệu không thuận lợi cho thị trường trái phiếu Việt Nam.Ngoài ra thực hiện quyết định số 502/QĐ-TTg ngày 16/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-BTC ngày 22/4/2015 về việc phát hành TPCP trực tiếp cho Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam, ngày 23/4/2015 NHTM cổ phần ngoại thương chuyển 1 tỷ đô la Mỹ mua TPCP cho KBNN, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 4,8%/năm. Lũy kế huy động vốn đến hết tháng 4/2015 là 64.515,9 tỷ đồng (trong đó kỳ hạn 5 năm chiếm 66% tổng khối lượng, kỳ hạn 10 năm chiếm 9,6% tổng khối lượng, kỳ hạn 15 năm chiếm 24,4% tổng khối lượng), đạt 25,5% kế hoạch cả năm; Kỳ hạn vay trung bình năm 2015 đến hết tháng 4/2015 là 7,92 năm.

Tình hình nền kinh tế thế giới

Nền kinh tế nước ta phát triển trong tình hình nền kinh tế thế giới được đánh giá vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá dầu thấp ảnh hưởng đến kinh tế các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn; đồng USD tăng giá có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi của kinh tế Mỹ; và sự tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế mới nổi (Trung Quốc, Brasil). IMF (tháng 4/2015) tiếp tục giữ nguyên mức dự báo GDP toàn cầu hồi tháng 1/2015 (đạt 3,5% trong năm 2015). Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thuận lợi do tình hình kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa được nới lỏng ở nhiều quốc gia (EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Singapore, Thái Lan, Indonesia,…), cùng với giá năng lượng và giá cả các hàng hóa khác ở mức thấp sẽ khuyến khích tiêu dùng. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm và ổn định tại các quốc gia đang phát triển và mới nổi (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái lan, Phi-lip-pin, Mỹ, khu vực đồng Euro). Tuy nhiên, một số quốc gia mới nổi như Nga và Brazil lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng gần đây. Trong tháng 4/2015, giá dầu thô tăng so với tháng 3, do nhu cầu dầu mỏ toàn cầu được dự báo tăng, tình hình chính trị căng thẳng ở nhiều khu vực cùng với sản lượng và dự trữ dầu của Mỹ đang có xu hướng giảm. Tính đến 21/4, giá dầu WTI bình quân đạt 53,7USD/thùng, tăng 12,3% so với tháng 3/2015.