Nền kinh tế đã vượt đáy nhưng phục hồi chậm, chưa bền vững
(Taichinh) - Theo dõi tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta từ năm 2011 đến nay, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã vượt đáy tăng trưởng (năm 2012) và đang trên đà phục hồi. Nhưng ngay cả khi GDP năm 2014 tăng mạnh lên 5,98%, thì nhiều ý kiến vẫn cho rằng sự phục hồi còn chậm, chưa bền vững và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng thấp.
Vì sao có thể nói nền kinh tế Việt Nam đã vượt đáy? Một căn cứ được các chuyên gia đưa ra để khẳng định điều này là tốc độ tăng trưởng GDP sau khi đạt tỷ lệ thấp nhất vào năm 2012 (5,25%), thì đã tăng nhẹ lên 5,42% vào năm 2013 và tăng trưởng mạnh trong năm 2014 (5,98%). Đặc biệt, quý I.2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,03%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, mở ra triển vọng có thể hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu được QH đề ra là tăng trưởng 6,2% trong năm nay.
Vượt đáy tăng trưởng thường được coi là tín hiệu tích cực với một nền kinh tế khi mà kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường. Song, Pgs Nguyễn Chí Hải, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh lưu ý, sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân, không trùng pha với đà tăng trưởng. Đáy tăng trưởng của hệ thống doanh nghiệp nước ta là năm 2013 và cũng là thời điểm dừng thực hiện gói kích thích nền kinh tế. Và có thể thấy, sau 2 năm cầm cự trước tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước suy giảm, thì nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động và giải thể (lên đến 60.737 đơn vị). Đáng chú ý, vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp năm 2013 ở mức thấp nhất trong 3 năm 2011 - 2013.
Và dù trong hai năm 2013 và 2014, kinh tế vĩ mô đã ngày càng ổn định, lạm phát suy giảm, các cân đối vĩ mô trong nền kinh tế tốt hơn, song những hạn chế của tăng trưởng vẫn chưa được khắc phục hiệu quả. Tình trạng nợ xấu và bất ổn của hệ thống ngân hàng, tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước, tiến độ tái cấu trúc nền kinh tế… đang đặt ra nhiều vấn đề. Nếu xét về các yếu tố cung - cầu của nền kinh tế, nhiều chuyên gia cũng e ngại khi cùng với suy giảm trong sản xuất kinh doanh, lượng hàng tồn kho trong nền kinh tế khá cao, tốc độ cải thiện chậm. Về phía cầu, cùng với sự suy giảm trong đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, sức mua của nền kinh tế trầm lắng và tăng chậm.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam đã chạm đáy suy giảm tăng trưởng, nhưng đang đi lên chậm chạp và còn tiềm ẩn rủi ro, thậm chí không loại trừ nguy cơ mở rộng đáy suy giảm tăng trưởng, cho dù tốc độ phục hồi của nền kinh tế đã khá rõ rệt trong những tháng gần đây. Nguy cơ này có thể xảy ra là do mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, dựa vào thâm dụng tài nguyên và vốn đã kéo dài quá lâu. Thêm vào đó, tư duy điều hành chính sách còn ảnh hưởng quan điểm quản trị tổng cầu để kích thích tăng trưởng. Thực tế, tốc độ tăng trưởng có bước nhảy vọt của năm 2014 và quý I.2015 chủ yếu là do Nhà nước đẩy tín dụng ra nền kinh tế, khiến tăng trưởng tín dụng đều ở mức cao trong tất cả các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Sự đóng góp của khoa học công nghệ và năng suất lao động trong tăng trưởng chưa được thể hiện rõ. Trong đó, ngay cả một động lực của tăng trưởng nước ta trong năm 2013 và 2014 là xuất khẩu, cũng chủ yếu nhờ sự đóng góp của khối doanh nghiệp nước ngoài (chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu), với các sản phẩm gia công đơn giản, giá trị gia tăng thấp.
Pgs Trần Đình Thiên dự báo, trong năm 2015, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi. Đà tăng trưởng khả quan chỉ có thể lấy lại từ năm 2016 trở đi, nếu môi trường kinh tế thế giới ổn định và trong nước có những cải cách sâu rộng hơn để có thể chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhân tố quyết định để thực hiện mục tiêu này là phải có nỗ lực chung của cả các doanh nghiệp và Chính phủ trong phát triển khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ thực sự là động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của đất nước, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.