"Tiếp sức" cho doanh nghiệp là ngân hàng tự cứu mình

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Lợi nhuận ngân hàng cũng từ doanh nghiệp mà ra, nên ngân hàng phải giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Doanh nghiệp trụ vững thì ngân hàng mới có đối tác sau này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các tổ chức tín dụng đồng thuận giảm lãi suất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ước tính có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Việc giảm lãi này có lợi trực tiếp cho các doanh nghiệp, từ đó tác động lớn tới toàn bộ nền kinh tế...

Lãi suất đi kèm rủi ro

Mặc dù, dư địa giảm thêm lãi suất của các ngân hàng vẫn còn, bởi 6 tháng đầu năm nay, các ngân hàng dồn dập công bố lãi khủng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, bản thân các ngân hàng cũng rất mong muốn được sử dụng phần lợi nhuận có được để tăng vốn điều lệ để ứng phó với những nguy cơ rủi ro trong tương lai. Theo ông đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp. Bản thân các ngân hàng đã rút ra được rất nhiều bài học trong quá trình tái cơ cấu vừa qua, do đó đặc biệt quan tâm đến bảo đảm an toàn hệ thống, an toàn vốn.

Vị chuyên gia này lý giải điều kiện để các ngân hàng giảm lãi hỗ trợ doanh nghiệp là nhờ tỷ lệ vốn không kỳ hạn tăng thêm, chi phí giảm xuống, vốn điều lệ được bổ sung đảm bảo hệ số CAR. 

Tuy vậy, khả năng ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất cho vay là rất khó xảy ra. Thực tế, năm 2020, dù NHNN nhiều lần giảm lãi suất điều hành, nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm ở mức nhất định, tập trung vào một số gói tín dụng ưu đãi, chứ không giảm đồng loạt. Hơn nữa, các nhà băng cũng cho rằng, việc giảm lãi cũng phải có bước đi, lộ trình phù hợp. Hiện tỷ lệ nợ trung và dài hạn tại các ngân hàng lên tới 40%.

“Do trước đây các khoản vay này đều có lãi suất cao, nên tới khi giảm lãi suất, bắt buộc phải thực hiện giảm từng bước (giảm dần) để đảm bảo tỷ lệ đủ bù đắp chi phí của tổ chức tín dụng”, ông Hùng nói và nhấn mạnh mong muốn của ngân hàng là thu đủ gốc và lãi đủ bù đắp chi phí và sẵn sàng giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý.

Các chuyên gia cho rằng, lãi suất bao giờ cũng tỷ lệ với rủi ro. Rủi ro cao thì lãi suất cao và ngược lại. Thực tế có rất nhiều khoản vay lãi suất rất thấp, chỉ 4%, thậm chí 3,5%. Đó là với những khách hàng truyền thống, khách hàng có tiềm lực kinh tế, minh bạch tài chính, có luồng tiền đảm bảo, hay nói đơn giản là độ tín nhiệm cao. 

Ngược lại, cũng có những món vay lãi suất  9-11% vẫn tồn tại. Một số khoản dư nợ vay từ trước, nhất là các khoản vay trung dài hạn khi chưa đến kỳ trả nợ thì ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất đó. Nhưng đến hạn thì ngân hàng mới tính toán cụ thể với khách hàng. Nên nếu cứ nhìn đúng theo hợp đồng, đúng là một số khoản vay lãi suất vẫn cao nhưng thực tế trả nợ thì không hẳn như vậy.

Hài hoà lợi ích

Cũng phải nói thẳng là câu chuyện lãi suất là quyền của các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý không thể can thiệp, bởi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp đi huy động vốn để cho vay vốn. Vì vậy, khi đưa ra mức lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng phải cân nhắc dựa trên cơ sở năng lực tài chính của mình, nhất là khi rủi ro tiềm ẩn nợ xấu còn rất lớn. Nếu sức khỏe hệ thống ngân hàng lâm nguy, thì cả nền kinh tế phải trả giá.

"Mong muốn của ngân hàng là thu đủ gốc và lãi đủ bù đắp chi phí và sẵn sàng giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý với những doanh nghiệp có phương án kinh doanh minh bạch và hiệu quả", giám đốc một ngân hàng cho hay.

Theo Phó Thống đốc NHNN, Đào Minh Tú, ngân hàng và doanh nghiệp hiện nay không phải là quan hệ xin-cho như trước đây mà là quan hệ cộng sinh. Lợi nhuận ngân hàng cũng từ doanh nghiệp mà ra, nên ngân hàng phải giúp doanh nghiệp vượt qua. Doanh nghiệp trụ vững thì ngân hàng mới có bạn hàng sau này. Chính vì thế NHNN đã, đang và sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại để yêu cầu họ phải mạnh mẽ hơn nữa cho giai đoạn 6 tháng cuối năm nay. Phải làm sao thể hiện được trách nhiệm với xã hội, phải tích cực hơn, thiết thực hơn trong việc cơ cấu, giãn, hoãn lại nợ với các khoản đến hạn cũng như giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngân hàng cũng đang chịu hậu quả nặng nề khi doanh nghiệp không trả được nợ, tiềm ẩn nợ xấu gia tăng và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Thực tế, diễn biến nợ xấu có xu hướng đi lên tại các ngân hàng hiện nay thậm chí còn được dự báo có thể trở nên bi đát hơn trong thời gian tới đây.

Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát (NHNN) Trần Đăng Phi trước đó cũng cảnh báo về khả năng nợ xấu sẽ tăng trong năm nay, dù trong thời gian qua các ngân hàng được áp dụng rất nhiều biện pháp như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ.