Tỉnh Đắk Nông:
“Tiếp sức” cho hộ kinh doanh vùng khó khăn
Thông qua chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nhiều hộ dân tại huyện Đắk Glong có cơ hội vay được nguồn vốn ưu đãi. Thủ tục đơn giản, nguồn vốn giải ngân kịp thời, bà con tại đây có điều kiện đầu tư sản xuất.
Ghi nhận tại Đắk P'lao
Xã Đắk P'lao là địa phương có phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước đây, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá lớn.
Từ khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mà Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện triển khai, đời sống người dân có nhiều chuyển biến. Đến nay, dư nợ tín dụng ưu đãi trên toàn xã hơn 28 tỷ đồng. Địa phương có 750 hộ vay vốn ưu đãi. Trong đó, riêng chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn là hơn 4,5 tỷ đồng, với gần 100 hộ vay.
Điều kiện kinh tế của gia đình ông Hoàng Văn Yến, thôn 4 có nhiều chuyển biến nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Theo ông Yến, những năm trước, kinh tế gia đình rất khó khăn. Rẫy nương không có vốn đầu tư. Hai đứa con vào tuổi ăn học. Hằng năm, gia đình thường đi vay tiền bên ngoài, với lãi suất cao để đầu tư. Đến lúc thu hoạch, doanh thu từ vườn cây chủ yếu trang trải nợ nần, không dư đồng nào.
Giữa năm 2019, gia đình ông được địa phương bình xét, NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Có vốn, gia đình ông tập trung mua thiết bị, phân bón đầu tư hơn 3 ha cà phê. Vườn cây được đầu tư, phát triển tốt. Vụ mùa vừa qua, gia đình ông thu được 12 tấn cà phê nhân, cao gấp nhiều lần so với trước đây.
“Thủ tục đơn giản, nguồn vốn được giải ngân rất nhanh. Mức cho vay phù hợp với điều kiện đầu tư của gia đình mình nên áp lực về trả gốc, lãi được giảm bớt”, ông Yến chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Đắk P'lao, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã thực sự có ý nghĩa đối với sự phát triển của địa phương. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 70% vào cuối năm 2015 thì đã giảm còn trên 37% vào cuối 2020.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, trong quá trình xét cho vay, đối tượng có nhu cầu được địa phương rà soát rất kỹ. Các đoàn thể, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên thăm hỏi, nắm rõ quá trình sử dụng vốn của các hộ vay. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay, sử dụng vốn, địa phương ghi nhận kịp thời để hỗ trợ bàn con.
Giải ngân nhanh gọn
Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong, đến nay, dư nợ các chương trình ưu đãi trên địa bàn gần 472 tỷ đồng, với hơn 13.100 lượt hộ vay vốn. Riêng dư nợ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tại địa phương gần 90 tỷ đồng, với khoảng 2.300 hộ vay.
Theo ông Trần Hậu Linh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong, phương châm của đơn vị không để hộ nào có nhu cầu bị thiếu vốn. Hằng năm, NHCSXH huyện chủ động phối hợp chính quyền địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác rà soát toàn bộ nhu cầu vay vốn tại cơ sở. Những hộ nào có tinh thần làm ăn, tư liệu sản xuất, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn kịp thời.
Mọi thủ tục, hồ sơ vay vốn được phòng giao dịch đơn giản hóa đến mức có thể. Đơn vị luôn đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn để người dân có điều kiện đầu tư kịp mùa vụ.
“Hồ sơ hoàn tất, chúng tôi ưu tiên giải ngân nguồn vốn trong ngày. Làm sao để bà con có nguồn vốn phục vụ sản xuất kịp thời, tránh tình trạng đi vay ngoài chịu lãi suất cao”, ông Linh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Linh, hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Nhu cầu của bà con về nguồn vốn đầu tư khá cao. Phòng Giao dịch tiếp tục phối hợp với các xã tổng hợp nhu cầu vốn vay. Trên cơ sở này, đơn vị báo cáo lên Chi nhánh NHCSXH tỉnh để bổ sung, hỗ trợ vốn kịp thời.
Đối với những hộ gia đình đến hạn thu nợ gốc, Phòng Giao dịch tích cực thu hồi. Nguồn vốn thu về, đơn vị tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho vay, kịp thời hỗ trợ người dân vùng khó khăn đầu tư sản xuất.