Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh
Triển khai thực hiện nhóm nhiệm vụ trong trung và dài hạn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính xác định sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Ngày 21/4/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, lĩnh vực, địa bàn được phân công để lãnh đạo tổ chức, triển khai hiệu quả. Đặc biệt, đối với các nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, Lãnh đạo Bộ cũng đã sát sao chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.
Liên quan đến các nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn, Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tập trung triển khai giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật. Đặc biệt tăng cường tính chủ động hoặc đề xuất cấp thẩm quyền cắt giảm hoặc đơn giản hóa các quy định tạo ra rào cản mới gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, trừ trường hợp cần thiết và phải đánh giá tác động tới doanh nghiệp.
Song song với đó, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc rà soát các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số, triển khai dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, rà soát, theo dõi để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đánh giá thực chất quá trình xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả đầu tư công; khuyến khích đầu tư của khu vực doanh nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai hiệu quả Kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2023 đáp ứng yêu cầu về cải cách TTHC tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trong 8 tháng năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện. Thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.
Thống kê 8 tháng, Bộ Tài chính đã ban hành 11 quyết định công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế 19 TTHC; bãi bỏ 33 TTHC và ban hành mới 3 TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan và giá. Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; tích hợp, cắt giảm các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có.
Ngoài ra, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo tại Nghị quyết của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trự thuộc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy hoạch thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý làm cơ sở cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh có tầm nhìn dài hạn, bền vững.
Đẩy mạnh triển khai Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 687/QĐ-TTg về Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Quyết định số 167/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025.
Đặc biệt, Lãnh đạo Bộ đề nghị các đơn vị ưu tiên cân đối, bố trí nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bền vững, chuyển đổi cơ cấu, công nghệ sang hướng hiện đại, giảm thải các-bon theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.