Tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
(Taichinh) - Chiều ngày 5/6, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề thông tin liên quan đến kết quả đổi mới, sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan đến kết quả cũng như giải pháp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới.
5 tháng, cả nước đã cổ phần hóa được 43 DN
Về tiến độ phê duyệt đề án tái cơ cấu của 108 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, tính đến hết quý I/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền.
Các Bộ, địa phương phê duyệt đề án tái cơ cấu của tổng công ty nhà nước trực thuộc. Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các đơn vị đã và đang triển khai phương án sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý điều hành, đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên, đi đôi với việc tái cơ cấu lao động, triển khai nghiên cứu, bổ sung các chính sách và mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển của DN sau tái cơ cấu.
Về tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, tính đến hết quý I/2015 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.980 DN, trong đó cổ phần hóa 4.237 DN. Trong đó, giai đoạn 2011-2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. Giai đoạn 2014-2015, theo kế hoạch đã được duyệt thì cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DN. Trong năm 2014 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 167 DN, tăng gấp 1,65 lần năm 2013; trong đó, cổ phần hóa 143 DN, tăng gấp gần 2 lần năm 2013. Theo kết quả mới nhất, đến hết tháng 5/2015, cả nước đã cổ phần hóa được 43 DN. Như vậy, trong thời gian tới còn 246 DN còn tiếp tục phải cổ phần hóa.
Về kết quả thoái vốn, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011, tổng giá trị đầu tư vào năm lĩnh vực nhạy cảm (bao gồm lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và Quỹ đầu tư) mà các Tập đoàn, Tổng công ty cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, về tình hình thoái vốn/đầu tư thêm vào năm lĩnh vực nhạy cảm, năm 2012, đã thoái được 348 tỷ đồng, thu được 356 tỷ đồng; Năm 2013 thoái được 874 tỷ đồng, thu được 745 tỷ đồng; năm 2014 thoái được 4.184 tỷ đồng, thu được 4.292 tỷ đồng, đồng thời giảm 74 tỷ đồng do đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam so với sổ sách kế toán khi cổ phần hóa và giảm 38 tỷ đồng giá trị phải thoái tại lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng theo kế hoạch đến năm 2015 sau khi rà soát của Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Trong quý I/2015, tiếp tục thoái vốn được 2.807 tỷ đồng, thu được 3.206 tỷ đồng.
Theo Phó Cục trưởng Đặng Quyết Tiến, số vốn đã thoái tính đến quý I/2015 là 8.213 tỷ đồng và số thu về là 8.599 tỷ đồng. Giá trị các khoản đầu tư tăng thêm trong giai đoạn 2011 - 2014 là 4.517 tỷ đồng do các đơn vị ghi nhận cổ tức được chia bằng cổ phiếu, DN hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài DN tương ứng với số tiền cổ tức được chia theo quy định pháp luật. Như vậy, số còn phải thoái trong những tháng cuối năm 2015 vẫn còn 19.517 tỷ đồng, trong đó chiếm đa số là các lĩnh vực nhạy cảm là ngân hàng, bất động sản với trên 12.000 tỷ đồng.
Nhiều giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN
Đánh giá chung về kết quả thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, dù tiến độ cổ phần hóa còn chậm; một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu…, song nhìn chung các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các DN thực hiện. Trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt, các tập đoàn, tổng công ty đã tiến hành rà soát, phân loại, xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa; một số tập đoàn và tổng công ty đã xây dựng, ban hành mới hoặc hoàn thiện hệ thống quy chế quản trị nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN...
Trong thời gian tới, nhằm pháp đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm như:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội về sắp xếp, đổi mới DNNN; đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai cơ chế, chính sách và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước.
Hai là, căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN ban hành tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục rà soát, bổ sung DN cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và lộ trình triển khai trong giai đoạn tới. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về đổi mới quản lý và tái cơ cấu DNNN giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong xác định giá trị DN và thoái vốn nhà nước; triển khai thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn.
Bốn là, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành cổ phần hóa 289 DN trong năm 2015 và thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả. Xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả và tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu DN.
Sáu là, thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, DN lớn đã cổ phần hóa đang có vốn nhà nước về SCIC theo quy định.
Bảy là, thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo tinh thần Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó hỗ trợ thu hút và khuyến khích nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của DN.
Tám là, thực hiện tốt chế độ báo cáo về tình hình triển khai cổ phần hóa DNNN; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Chín là, đẩy mạnh truyền thông và công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong tái cơ cấu DN cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao. Đặc biệt, coi trọng vai trò của dư luận, người lao động và báo chí trong công tác giám sát quá trình tái cấu trúc DNNN, góp phần làm mạnh hóa và ngăn chặn sai phạm trong quá trình thực hiện tái cấu trúc DNNN.