Không nên cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bằng mọi giá
(Taichinh) - Dù số lượng doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong từng năm đã tăng dần, nhưng số đơn vị còn lại cần hoàn thành công tác này là khá nhiều. Đây đồng thời lại là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quy mô lớn, tạo thách thức không nhỏ đối với chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015.
Theo kế hoạch, số lượng doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2014 và 2015 là 432 đơn vị. Năm 2014 đã tiến hành cổ phần hóa 143 doanh nghiệp, nên số còn lại của năm 2015 là 289 doanh nghiệp, trong đó có khá nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế. Không chỉ số lượng doanh nghiệp cần hoàn thành cổ phần hóa lớn, mà con số này còn lớn hơn rất nhiều nếu so với số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa bình quân trong các giai đoạn trước. Cụ thể, cổ phần hóa bình quân trong giai đoạn từ 2011 đến 2014 lần lượt là 12 doanh nghiệp, 33 doanh nghiệp và 60 doanh nghiệp. Nguyên Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Ts Trần Tiến Cường cho rằng, trong bối cảnh kinh tế suy thoái và mới dần chuyển sang phục hồi thì kế hoạch cổ phần hóa này là rất tham vọng cả về con số đơn vị và tiến độ thực hiện.
Thực tế, kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các tháng đầu năm nay cũng chưa có chuyển biến tích cực, khi mà trong quý I.2015 mới có 29 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa. Và dù trong số các đơn vị nằm trong kế hoạch cổ phần hóa năm 2015 có một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế quy mô lớn, thu hút nhà đầu tư, nhưng chưa có nhiều căn cứ để tin tưởng vào việc hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Theo các chuyên gia, sự thiếu vắng của các nhà đầu tư nước ngoài đã cản trở nỗ lực bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước. Nhà đầu tư nước ngoài chưa quan tâm nhiều đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vì nhiều đơn vị tỷ lệ vốn sở hữu của Nhà nước còn chiếm đa số, khiến nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ là cổ đông nhỏ lẻ nếu tham gia mua cổ phần, không có quyền tham gia quản lý hay triển khai cải tổ quản trị. Ngoài ra, việc bán vốn nhà nước với tỷ lệ % quá thấp so với vốn điều lệ và bán theo phương thức đấu giá lẻ tẻ thay vì bán đấu giá cả lô cổ phần cũng khiến các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng chưa thu hút nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài.
Việc thiếu nhiệt tình của các nhà đầu tư được thể hiện ngay trong các kết quả cổ phần hóa gần đây. Theo báo cáo của Bộ Tài Chính, chỉ có 44% số cổ phần được chào bán thành công cho tư nhân trong quý đầu năm. Dù báo cáo không chỉ rõ người mua cổ phần, nhưng các chuyên gia kinh tế cho biết chỉ có rất ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mua số lượng cổ phần này. Hay như, trong năm 2014, việc chào bán ra công chúng của Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines), thì chỉ có 3,5% số lượng cổ phần được chào bán và được mua lại bởi hai ngân hàng nội địa, cũng là hai chủ nợ lớn của hãng này.
Ts Trần Tiến Cường cho rằng, trong giai đoạn hiện nay không nên tiến hành cổ phần hóa bằng mọi giá. Bởi trong giai đoạn từ năm 2011 -2013, kinh tế nước ta suy giảm sâu đã ảnh hưởng rất lớn đến cầu của nền kinh tế, từ đó có ảnh hưởng đến lượng cổ phần bán ra lần đầu từ doanh nghiệp được cổ phần hóa. Các doanh nghiệp nhà nước cũng đang thực hiện tái cơ cấu, chưa thể hiện sự chuyển mình sang mô hình quản trị hiệu quả, nên sẽ không có sức hút lớn với nhà đầu tư, giá bán cổ phần sẽ khó ở mức cao. Hay nói cách khác, việc cổ phần hóa trong bối cảnh hiện nay là không thật có lợi nhìn từ cả doanh nghiệp và Nhà nước. Hơn nữa, điều quan trọng đối với doanh nghiệp cổ phần hóa không phải chỉ là hoàn thành quá trình này, đăng ký doanh nghiệp thành công ty cổ phần, mà chủ yếu ở việc cải thiện quản trị, hiện đại hóa doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh. Điều này cần có nhiều thời gian, không thể thực hiện trong một sớm một chiều.
Các chuyên gia cho rằng, thay vì cố gắng hoàn thành kế hoạch đã đề ra, thì việc cần làm trước tiên là xây dựng tạo nền tảng pháp lý cao hơn, vững chắc hơn cho cổ phần hóa những doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng, hoặc là doanh nghiệp trong các ngành đặc thù liên quan đến đất đai như nông lâm trường, an ninh, quốc phòng. Nguyên nhân do, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là vấn đề lớn, làm thay đổi sở hữu nhà nước tại những đơn vị này, thay đổi vị trí của kinh tế nhà nước trong phạm vi ngành và nền kinh tế. Trong khi đó, các nghị định, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thông tư của các bộ, ngành đang cho thấy là chiếc áo nhỏ so với việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Kinh nghiệm trên thế giới cũng cho thấy, việc tăng, giảm vốn nhà nước vượt quá hoặc thấp dưới tỷ lệ tối thiểu do Quốc hội quy định và phê chuẩn (Thụy Điển, Phần Lan). Một số nước ban hành đạo luật tạo khung khổ chung cho các hoạt động tư nhân hóa (cổ phần hóa), quy định quyền hạn của Chính phủ trong thực hiện các hoạt động tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước (như Pháp).
Việc đầu tư, sử dụng vốn thành lập, tổ chức, quản lý doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn nhà nước đã được quy định trong một số luật. Nhưng việc cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước – những hoạt động thoái đầu tư cần xử lý nhiều vấn đề, đối diện với những rủi ro, thất thoát vốn, tài sản nhà nước, có thể ảnh hưởng đến khu vực kinh tế nhà nước, ngành, lĩnh vực chiến lược… lại chưa có luật quy định. Đây là nghịch lý và không thể duy trì lâu. Bởi vậy, thay vì thực hiện bằng mọi cách để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thì hãy tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này.