Tỉnh Đồng Tháp:
Tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) 9 tháng của tỉnh đạt 9,37%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, xếp thứ 6/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với đà tăng trưởng này, dự kiến năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ đạt 9,11/7% kế hoạch và lần đầu tiên qui mô kinh tế tỉnh vượt mốc 100.171 tỷ đồng…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm của tỉnh khởi sắc khi hầu hết các ngành, lĩnh vực được khôi phục và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời gian trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Ước giá trị sản xuất lĩnh vực nông - lâm - thủy sản đạt trên 36.700 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ và đạt 77,6% kế hoạch năm. Thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi ích kinh tế cao, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, áp dụng truy xuất nguồn gốc.
Riêng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có xu hướng phục hồi nhanh và có mức tăng ấn tượng. Hầu hết sản phẩm công nghiệp đều có sản lượng sản xuất tăng cao so với cùng kỳ (áo quần các loại; các bộ phận của giày dép bằng da; miến, hủ tiếu, bánh tráng, gạo xay xát...).
Hoạt động xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tăng trưởng ổn định với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng 33,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD; đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu đều có tăng trưởng cao, vượt kế hoạch năm đề ra.
9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, Tỉnh đón nhận thêm 570 doanh nghiệp thành lập mới và 155 doanh nghiệp tái hoạt động. Theo đó, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh trên 4.700 doanh nghiệp. Tỉnh còn tiếp nhận 70 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư mới; với 16 dự án được chấp thuận đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả tăng trưởng GRDP ấn tượng của Tỉnh trong 9 tháng đầu năm là do môi trường đầu tư kinh doanh khôi phục và cải thiện; năng lực sản xuất công nghiệp gia tăng, tạo ra nguồn cung hàng hóa và nguyên liệu khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cùng với đó, việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động cùng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ giúp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc.
Mặc dù vậy, tỉnh Đồng Tháp cũng nhìn nhận những khó khăn phải đối mặt trong thời gian tới, nhất là biến động của tình hình thế giới sẽ tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí đầu vào và giá đầu ra của hàng hóa, dịch vụ...
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, tỉnh xác định giữ vững ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo quan điểm “Phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp là một trong năm đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025; xác định doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Song song đó, tỉnh Đồng Tháp tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn ODA nói riêng; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục rà soát, trình Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh...