Tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy trình cho Cổng DVCQG, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp


Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG) và những lợi ích dành cho nghiệp” được tổ chức ngày 12/6 tại điểm cầu chính ở TP. Hồ Chí Minh.

Thể chế, quy trình cho Cổng DVCQG sẽ tiếp tục được hoàn thiện mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Thể chế, quy trình cho Cổng DVCQG sẽ tiếp tục được hoàn thiện mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Được khai trương ngày 9/12/2019, sau 6 tháng đi vào vận hành, Cổng DVCQG là đầu mối kết nối với cổng dịch vụ công của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và cung cấp hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân.

Theo đó, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp mạnh nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời chuyển đổi mạnh các giải pháp hành chính công, chính phủ điện tử. Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.893 trên 6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục ngành hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Kết quả trên đã giúp xã hội cắt giảm, đơn giản hóa hơn 18 triệu ngày công, tương đương tiết kiệm 6.300 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.021 mặt hàng. Tới đây tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp với thông lệ quốc tế và cải cách, kiểm tra chuyên ngành theo hướng Hải quan là cơ quan duy nhất kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, các bộ quản lý ngành sẽ thực hiện kiểm tra hậu kiểm…

Theo kế hoạch, dự kiến, việc gửi nhận các văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước qua trục liên thông văn bản quốc gia khai trương ngày 12/3/2019 được tăng cường, từng bước chuyển từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ sẽ khai trương trong tháng 8/2020.  

Đến ngày 11/6 đã có 42,5 triệu lượt truy cập, trên 164.000 tài khoản đăng ký, trong đó có 1.729 tài khoản của doanh nghiệp, tăng 600 tài khoản và tốc độ tăng khá nhanh so với giai đoạn 6 tháng trước đây; hỗ trợ trên 13.400 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp cung cấp 512 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 288 dịch vụ công cho doanh nghiệp.

Như vậy, việc áp dụng những quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ chữ ký số của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp của cơ quan Nhà nước và thúc đẩy giao dịch điện tử góp phần xây dựng nền kinh tế số.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết dự kiến đầu tháng 7/2020 sẽ báo cáo Thủ tướng và thực hiện trên toàn quốc việc xác thực bản sao từ bản chính trên Cổng DVCQG. Như vậy người dân có thể thực hiện thủ tục sao xác thực bất kỳ giấy tờ nào mà không cần đến các cơ quan công chứng.

Trong đó, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng VCQG là một giải pháp hữu hiệu để điện tử hóa thủ tục hành chính. Qua tài khoản Cổng DVCQG, người dân chỉ cần đăng nhập một lần, nhận hồ sơ một lần và thực hiện thủ tục hành chính tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến, các nghĩa vụ về tài chính liên quan, thủ tục liên quan.

Quá trình giải quyết các thủ tục thông qua Cổng DVCQG không chỉ được thông tin tới các doanh nghiệp, mà Văn phòng Chính phủ cũng tiếp nhận thông tin để đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong khâu giải quyết. Ưu điểm lớn của việc này là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đồng thời còn tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Hiện, Cổng DVCQG vẫn đang trong quá trình tiếp tục tích hợp các dịch vụ công, cải tiến, phát triển để phục vụ ngày một hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp, cả về quy trình nghiệp vụ và giao diện, độ tiện lợi cho người dùng,…

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đã có Cổng DVCQG. Sự tăng nhanh các tài khoản, đặc biệt là doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, để Cổng DVCQG thực sự hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp, vị đại diện WB cho rằng Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo dịch vụ công giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Theo đó, Việt Nam cần áp dụng các công nghệ đột phá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số thông qua các mô hình cụ thể. Doanh nghiệp khai thác dữ liệu để đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Chính phủ  mong muốn các doanh nghiệp sẽ tiếp sức xây dựng chính phủ điện tử. Hướng tới cập nhật các dịch vụ công đa dạng và chất lượng hơn, đáp ứng mọi yêu cầu của đời sống xã hội. Tương lai, người dân và doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 1 lần duy nhất trên cổng, thay vì phải nộp nhiều lần. Nếu phải nộp thêm giấy tờ sẽ chỉ là giúp làm giàu kho dữ liệu.

Bên cạnh đó, VPCP tiếp tục nỗ lực tạo sự đồng bộ hạ tầng, nền tảng dữ liệu, cũng như nâng cao trách nhiệm quản lý, thúc đẩy hiệu quả dịch vụ công. Điều cốt lõi là thay đổi tư duy của tất cả chúng ta chứ không phải phần mềm hay công nghệ..."

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng