Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024:

Tiếp tục phát huy vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong cơ cấu lại tổ chức tín dụng

Hà Linh

Những năm qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã góp phần quan trọng trong duy trì sự ổn định, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), cũng như đóng góp vào quá trình tái cơ cấu TCTD. Luật Các TCTD (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 18/01/2024, trong đó, cơ quan soạn thảo đã chú ý nhiều hơn đến vai trò của tổ chức BHTG trong quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Luật Bảo hiểm tiền gửi nâng cao hiệu lực cũng như khả năng thực thi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Luật Bảo hiểm tiền gửi nâng cao hiệu lực cũng như khả năng thực thi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Luật Các TCTD năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua trên tinh thần bảo đảm yêu cầu cơ cấu lại hệ thống TCTD theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có tính kế thừa; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TCTD; tăng khả năng chống chịu của hệ thống TCTD; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo Luật cũng đề cao hơn vai trò của BHTGVN trong quá trình tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt trong xây dựng, phê duyệt phương án phục hồi và biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt; trong hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; trong trường hợp phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt…

Đề cao vai trò của BHTG trong hỗ trợ và xử lý TCTD yếu kém

Theo đó, đối với phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt, tại Điều 169 của Luật Các TCTD 2024 quy định về xây dựng và phê duyệt phương án phục hồi. Cụ thể:

“Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 7 Điều 167 của Luật này, TCTD được kiểm soát đặc biệt hoàn thành việc xây dựng phương án phục hồi gửi Ban kiểm soát đặc biệt.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phương án phục hồi của TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt đánh giá, báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tính khả thi của phương án phục hồi.

Đối với phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với tổ chức bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng hợp tác xã đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi.

NHNN xem xét, phê duyệt phương án phục hồi trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều này hoặc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt theo quy định tại khoản 4 Điều này. Trường hợp không phê duyệt, NHNN có văn bản gửi tổ chức tín dụng, Ban kiểm soát đặc biệt.

Trường hợp phương án phục hồi đề xuất biện pháp cho vay đặc biệt của NHNN với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm trước khi phê duyệt phương án phục hồi.

Thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này có thể được NHNN gia hạn nhưng không quá hai lần thời hạn đó”.

Về biện biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt:

Điều 171 của Luật TCTD 2024 quy định, TCTD được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau đây:

“a) Vay đặc biệt từ NHNN, tổ chức BHTG, TCTD khác theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 192 của Luật này;

b) Miễn tiền lãi vay tái cấp vốn, vay đặc biệt từ NHNN;

c) Nhận tiền gửi hoặc vay của tổ chức tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi;

d) Mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp do tổ chức tín dụng hỗ trợ nắm giữ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của NHNN; bán lại nợ, trái phiếu doanh nghiệp đó cho TCTD hỗ trợ;

đ) Được thỏa thuận, lựa chọn một hoặc một số TCTD hỗ trợ tham gia phương án phục hồi;

e) Được TCTD hỗ trợ cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành; hỗ trợ về công nghệ thông tin;

g) Trường hợp TCTD có lãi phải thu phải thoái, TCTD được phân bổ lãi phải thu phải thoái theo năng lực tài chính trên nguyên tắc tổng mức phân bổ lãi phải thu phải thoái và số tiền phải trích lập dự phòng bằng chênh lệnh thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm của TCTD. Thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái tối đa 10 năm kể từ khi được NHNN chấp thuận và chỉ áp dụng cho khoản phải thu phát sinh đến thời điểm TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt;

h) Khi thực hiện giải pháp tăng vốn điều lệ theo phương án khắc phục, cổ đông, thành viên góp vốn được sở hữu cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn sở hữu cổ phần, phần vốn góp quy định tại Điều 63 và Điều 77 của Luật này. Cổ đông, thành viên góp vốn phải có lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp để tuân thủ giới hạn;

i) Biện pháp khác theo thẩm quyền của NHNN.

TCTD được kiểm soát đặc biệt là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau đây:

a) Biện pháp quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và i khoản 1 Điều này;

b) Tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức BHTG, TCTD khác theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 192 của Luật này;

c) Quỹ tín dụng nhân dân được vay đặc biệt của ngân hàng hợp tác xã từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân với lãi suất đến mức 0%/năm”

Hỗ trợ đối với ngân ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc:

Điều 182. Biện pháp hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc:

“1. Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được áp dụng một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đang bị kê biên, tài sản bảo đảm không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ cho tổ chức mua bán, xử lý nợ;

b) Nhận tiền gửi hoặc vay của bên nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc hoặc theo thỏa thuận;

c) Mua nợ, mua trái phiếu doanh nghiệp do bên nhận chuyển giao bắt buộc nắm giữ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; bán lại nợ, bán lại trái phiếu doanh nghiệp cho bên nhận chuyển giao bắt buộc theo thỏa thuận hoặc trong trường hợp các khoản nợ này bị chuyển thành nợ xấu;

d) Được bên nhận chuyển giao bắt buộc cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát; hỗ trợ về công nghệ thông tin và các hoạt động khác theo thỏa thuận;

đ) Miễn tiền lãi vay của khoản vay tái cấp vốn, vay đặc biệt từ NHNN;

e) Vay đặc biệt từ NHNN, tổ chức BHTG, TCTD khác theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 192 của Luật này;

g) Biện pháp khác theo thẩm quyền của NHNN”.

Trường hợp phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt:

Điều 188 Luật Các TCTD 2024 quy định về phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt:

“1. Phương án phá sản của TCTD được kiểm soát đặc biệt được xây dựng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) TCTD được kiểm soát đặc biệt không có phương án cơ cấu lại trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 169, khoản 1 Điều 176 của Luật này và không đủ điều kiện chuyển giao bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 179, khoản 1 Điều 180 của Luật này, không đủ điều kiện giải thể quy định tại khoản 1 Điều 187 của Luật này;

b) Ngân hàng thương mại thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 179, khoản 5 Điều 180, khoản 9 Điều 183 của Luật này;

c) TCTD thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 204 của Luật này;

d) TCTD được kiểm soát đặc biệt đề xuất phương án phá sản trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 7 Điều 167 hoặc khoản 5 Điều 172 hoặc khoản 6 Điều 178 của Luật này.

Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt, tổ chức BHTG xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, đề xuất NHNN trình Chính phủ phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Sau khi phương án phá sản được phê duyệt, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại tổ chức tín dụng.

Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, tổ chức BHTG và ngân hàng hợp tác xã xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt và đề xuất NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại quỹ tín dụng nhân dân.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức BHTG, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng hợp tác xã hoàn thiện phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, trình NHNN phê duyệt”.

Sớm sửa Luật BHTG để phù hợp hơn với Luật Các TCTD

Với những quy định tại Luật Các TCTD 2024, vai trò của BHTGVN tiếp tục được phát huy và nâng cao. Để tổ chức này hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình, có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, cần thiết phải sớm sửa đổi Luật BHTG; đồng thời cũng phù hợp hơn với những điểm mới tại Luật Các TCTD năm 2024.

Luật BHTG là cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động BHTG tại Việt Nam. Với việc luật hóa và cụ thể hóa nhiều nội dung, Luật BHTG đã nâng cao hiệu lực cũng như khả năng thực thi của chính sách BHTG, đưa chủ trương bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng lên một tầm cao mới. Suốt quá trình triển khai, các quy định của luật đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, Luật BHTG cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, do thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Hơn nữa, Luật chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác về: thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí BHTG; tiền gửi không được bảo hiểm; trục lợi BHTG...

Sửa đổi, bổ sung Luật BHTG là chủ trương xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ, NHNN; cũng là nhiệm vụ quan trọng BHTGVN được giao. Từ đó, BHTGVN có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.

Thông tin từ BHTGVN cho biết, hiện tổ chức này đã cơ bản hoàn thiện đề xuất các nội dung dự kiến trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, trong đó, tập trung vào các vấn đề chính, bao gồm: Nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG; bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG; hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD; hoàn thiện quy định về trả tiền bảo hiểm. Cụ thể:

Về nâng cao năng lực tài chính, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp luật nhằm tăng vốn điều lệ cho tổ chức BHTG nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức BHTG; khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động BHTG;

Tăng cường năng lực tài chính thông qua việc đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư; bổ sung hình thức vay từ NHNN trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG không đủ để trả tiền bảo hiểm;

Nghiên cứu bổ sung danh mục đầu tư gồm: Mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành;

Về quy định trả tiền bảo hiểm, BHTGVN đang nghiên cứu các nội dung nhằm đảm bảo ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm tiền gửi, trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức BHTG và các cơ quan liên quan; tạo hành lang pháp lý để tổ chức BHTG tham gia thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch dự phòng và diễn tập chi trả cho từng loại hình tổ chức tham gia BHTG; xây dựng sổ tay chi trả đối với từng loại hình tổ chức tham gia BHTG nhằm chuẩn hóa quy trình chi trả, đa dạng hóa các hình thức chi trả, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình chi trả nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế…