Tiếp tục xuất siêu
(Tài chính) Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, cán cân thương mại 8 tháng năm nay tiếp tục duy trì được xu hướng xuất siêu. Tuy nhiên, xuất siêu lại hầu hết của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Xuất siêu nhờ doanh nghiệp FDI
Theo Báo cáo mới nhất tóm tắt tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại của Bộ Công thương, xuất siêu tháng 8 ước đạt 100 triệu USD. Tính chung 8 tháng qua, cả nước xuất siêu 1,7 tỷ USD. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 10,16 tỷ USD, khối các doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 11,86 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt xấp xỉ 96,98 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 11,99 tỷ USD). Trong số này, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 31,75 tỷ USD, chiếm 32,7%, còn xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt 65,23 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 59,65 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2013. Các mặt hàng có sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99,6% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98,5%); giầy dép (76,5%); hàng dệt may (59,7%); máy ảnh (96%).
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 95,29 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt gần 53,37 tỷ USD, tăng 10,9%, chiếm tỷ trọng 56% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp nội ước đạt gần 41,92 tỷ USD, chiếm 44% tổng kim ngach nhập khẩu, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy tình hình xuất siêu khả quan như vậy nhưng giá xuất khẩu 8 tháng không được lợi. Giá bình quân của hầu hết các mặt hàng nhóm nông sản giảm, thậm chí có mặt hàng giảm mạnh so với cùng kỳ. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản trong 8 tháng đã giảm 236,1 triệu USD do giá xuất khẩu giảm.
Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 15,2%
Bộ Công thương cho biết 8 tháng qua, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng 15,2% và chiếm tỷ trọng 10,1% trong số các thị trường xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng 28,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc trong 8 tháng đạt 9,79 tỷ USD. Kim ngạch nhóm hàng nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 30 - 31% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc, tiếp đến là khoáng sản; nhóm hàng hóa trung gian (như sợi, da, nguyên liệu giấy…); còn lại là nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo. Bốn tháng còn lại của năm ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 5-5,2 tỷ USD. Như vậy, cả năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đề ra là 15 tỷ USD.
Nhập khẩu từ Trung Quốc không có dấu hiệu suy giảm, tính đến hết tháng 8, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc đã đạt khoảng hơn 27 tỷ USD – lớn gấp ba lần kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Dự kiến, tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chạm mốc 40 tỷ USD trong năm nay.
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) Phạm Sỹ Thành cho rằng, vấn đề thực sự của nhập siêu với Trung Quốc là nhập khẩu từ nước này đang trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất thường ngày của các doanh nghiệp nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Hiện tại, cơ cấu nhập khẩu trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc: 60% là hàng hóa trung gian, 20% là máy móc thiết bị và chỉ 20% là hàng tiêu dùng. Điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp bản địa. Ông Thành nói rằng, có khả năng nước ta rơi vào hiệu ứng giải công nghiệp hóa sớm khi chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc các hàng hóa dựa vào tài nguyên và nhập khẩu hàng công nghiệp chế tạo thành phẩm. Về lâu dài, sẽ làm suy giảm năng suất của nước ta dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.