Tiết kiệm chi để bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và chiến lược vắc xin


Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ chiến lược vắc xin.

Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính về việc cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19.
Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính về việc cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và dập dịch triệt để; thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch; đồng thời, bổ sung nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ chiến lược vaccine.

Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp, hài hòa, hợp lý, bảo đảm thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; sớm có phương án xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém; khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá trong thời gian tới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng giá, nhất là các mặt hàng biến động giá mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp phù hợp để bảo đảm, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là tại các khu công nghiệp, địa phương đang bùng phát dịch, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu; bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện ngay việc hỗ trợ giảm giá điện, giãn tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện theo tinh thần Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02/6/2021 của Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Đề án về thúc đẩy xuất khẩu và cân đối hài hòa cán cân thương mại.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện rà soát, cắt giảm tối đa chi phí vận chuyển, lưu kho và chi phí logistics khác; tăng cường kiểm tra việc tăng giá cước, bảo đảm chấp hành đúng quy định về niêm yết, công khai giá cước vận tải, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân, trong đó có các quy định liên quan tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP...

Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính về việc cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

Đồng thời, báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ chiến lược vắc xin.

Đối với kinh phí chi thường xuyên các chương trình mục tiêu đã bố trí trong dự toán ngân sách năm 2021 (tổng số 12,5 nghìn tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu), Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát để lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, số còn lại sẽ cắt giảm chi tương ứng...