Tiết kiệm, phòng chống lãng phí để dành nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội


Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 tại phiên họp thứ 44, sáng ngày 22/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quyết liệt hơn, dành nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận. Nguồn: QH
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận. Nguồn: QH

Thực hiện tốt hơn nữa tiết kiệm, phòng chống lãng phí

Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn, có đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo thêm và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực cũng còn những khó khăn, hạn chế. Vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; chậm báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình các bộ, ngành đến nay vẫn chưa có báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cần chỉ rõ các địa phương này và kiến nghị Quốc hội phê bình nghiêm khắc.

Cơ bản nhất trí với những kiến nghị của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách quyết liệt hơn, phải tập trung để giải quyết tốt các tồn tại, yếu kém đã diễn ra trong năm 2019 để không còn mắc lại trong năm 2020.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ thực hiện tốt hơn nữa công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí để dành nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nói đến tiết kiệm, chống lãng phí thì không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà trước hết là thời gian lao động, sức lao động, tài sản, tài nguyên. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, kể cả việc huy động, để tất cả những nguồn lực dành cho dân nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Tiết kiệm, chống lãng phí trong bối cảnh dịch bệnh

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng lưu ý, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và thế giới, ảnh hưởng lớn đến thu, chi ngân sách, Chính phủ cần có biện pháp sắp xếp lại thu, chi ngân sách, cân đối ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định. Giao thêm chỉ tiêu tiết kiệm ngân sách năm 2020 trong tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài... Tập trung ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục kinh tế; quyết liệt chỉ đạo để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước, thực hiện tốt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo các Nghị quyết của Quốc hội; Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công làm thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lạm dụng chính sách; Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập...