Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chuyển biến tích cực trên tất cả lĩnh vực


Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được triển khai mạnh mẽ và có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2019. Nguồn: QH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2019. Nguồn: QH

Sáng ngày 22/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019 của Chính phủ.

Chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả nước có những chuyển biến tích cực, được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, xét xử nghiêm minh; Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.

Thực hiện hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí đã đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo thêm và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; chậm báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổng kết đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sơ sài, không có thông tin, số liệu cụ thể về kết quả tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước.

Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế nêu trên là do người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm đúng mức, chưa giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tham mưu giúp việc làm đầu mối triển khai, thực hiện quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chi ngân sách ngày càng tiết kiệm, hiệu quả

Báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, ghi nhận công tác chỉ đạo, điều hành và ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ.

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Năm 2019, Chính phủ đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng vào ban hành các quy định tiết giảm chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, cải tiến quy trình và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản làm căn cứ quan trọng để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Một trong những kết quả nổi bật được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề cập là chi ngân sách được đảm bảo theo dự toán để bố trí đủ nguồn chi quản lý nhà nước, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội và thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn; hạn chế chi mua sắm xe ô tô công, thiết bị đắt tiền, tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, khánh tiết, công tác nước ngoài... Tích cực cơ cấu lại chi ngân sách, giảm dần chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, chi NSNN theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, cơ cấu lại và kiểm soát chặt chẽ nợ công, qua đó đã giảm lãi vay phải trả so với dự toán 16.900 tỷ đồng.

Chính phủ ban hành chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa và kiểm soát danh mục một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công; tiếp tục thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế..., trong đó, riêng ngành Thuế thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy năm 2019 đã giảm trên 200 chi cục thuế.

Đề cập đến những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đến thời điểm tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn 4/35 bộ, cơ quan Trung ương, 7/63 tỉnh, thành phố không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019 ở một số bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương còn chưa nghiêm.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...