Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị: Nội hàm và các hướng dẫn thực hiện

TS. Nguyễn Thị Phương Dung, Phan Huy Toàn, Nguyễn Thị Linh, Hoàng Thị Hằng, Lê Trung Hiếu

Theo khảo sát của Công ty kiểm toán PWC (2022), 70% doanh nghiệp Việt Nam không có hoặc rất ít khi công bố báo cáo về Môi trường, xã hội và quản trị. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong vấn đề phát triển bền vững để hướng tới nền kinh tế đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Do vậy, mục tiêu của bài viết này là giải thích khái niệm môi trường, xã hội và quản trị, các hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn trên thế giới và tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị

Lịch sử hình thành và phát triển tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị

Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là từ thuật ngữ viết tắt của Environmental, Social và Governance, là môi trường, xã hội và quản trị, một hệ thống giúp đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một tổ chức và giúp xây dựng nền tài chính bền vững. Thuật ngữ ESG lần đầu tiên được giới thiệu một cách tổng thể trong báo cáo “Who cares wins” của Liên Hợp Quốc phát hành năm 2004 (Liên Hợp Quốc, 2004).

Báo cáo này đã đưa ra những gợi ý cho ngành Tài chính với mong muốn áp dụng tốt hơn các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị vào các lĩnh vực phân tích, quản lý tài sản và môi giới chứng khoán. Trước đó, từ những năm 1950, thuật ngữ CSR (trách nhiệm xã hội) đã được hình thành và phát triển, chính là tiền đề cho việc ra đời của ESG (Bansal và Song, 2017). Hiện nay, ESG đã trở thành thuật ngữ mở rộng và toàn diện hơn CSR (Gillan và cộng sự, 2021).

Báo cáo của Liên Hợp Quốc khuyến khích tất cả các bên liên quan (các nhà quản lý, giám đốc, nhà đầu tư, nhà phân tích, nhà môi giới) tích hợp ESG trong chiến lược phát triển dài hạn của mình. Sau đó, thuật ngữ ESG được đề cập nhiều hơn trong báo cáo Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) của Liên Hợp Quốc năm 2006, nơi mà các tiêu chí ESG được yêu cầu phải đưa vào đánh giá tài chính của các công ty.

Từ đó đến nay, ESG đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một phong trào chủ động của rất nhiều công ty trên khắp thế giới, trở thành một bộ tiêu chuẩn đánh giá bức tranh toàn cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trên cả ba khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị (Thủy, 2022). Tính đến tháng 10/2019, tổng tài sản của các quỹ đầu tư về ESG ước tính đạt 253 tỷ USD (PwC Vietnam, 2019). Theo Bloomberg Intelligence (2021), ước tính tổng tài sản ESG toàn cầu sẽ đạt mức 50.000 tỷ USD vào năm 2025 tương đương 33% tài sản đang được quản lý trên toàn thế giới.

Nội hàm của tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị

Việc kết hợp ba yếu tố E-S-G vào một báo cáo tích hợp và chiến lược kinh doanh sẽ đưa ra thông điệp rằng doanh nghiệp đang thực hiện các bước đi cần thiết để gia tăng tính khả thi và sinh lời trong dài hạn. Cụ thể, nội hàm của ESG đề cập đến 3 yếu tố:

E - Evironmental: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu gồm: Tác động từ biến đổi khí hậu và phát thải carbon; Quản lý nước và chất thải gây ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học; Khai thác nguyên liệu thô, khí thải độc hại và ô nhiễm và bao bì lãng phí…

S - Social: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề xã hội, chủ yếu như sự hài lòng của khách hàng, những vấn đề có tính tổng thể của người lao động như tính đa dạng, công bằng và hòa nhập của người lao động, quyền riêng tư của người lao động, quan hệ cộng đồng, cải thiện bình đẳng về chủng tộc và giới tính, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cung cấp giáo dục và nâng cao kỹ năng cho người lao động, cung cấp bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu cũng như khả năng tiếp cận nghề nghiệp/việc làm…

G - Governance: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến các hoạt động quản trị công ty, chủ yếu gồm: Gia tăng khoảng cách lương giữa giám đốc điều hành và người lao động, tham gia vận động hành lang và quyên góp chính trị, tăng tính đa dạng của hội đồng quản trị, tránh thuế doanh nghiệp, tuân thủ các thông lệ kinh doanh có đạo đức, tuân thủ luật pháp và quy định, minh bạch về thông lệ và kết quả kinh doanh, và có lập trường công khai về các vấn đề, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Một số trường phái trên thế giới

Tầm quan trọng của các yếu tố ESG là khác nhau đối với mức độ phát triển kinh tế và theo khu vực địa lý hay đặc điểm văn hóa (Pineau và cộng sự, 2022). Bởi vậy, có một số trường phái liên quan đến ESG và việc coi trọng yếu tố nào hơn E, S hay G cũng sẽ tùy thuộc vào các quan điểm của từng quốc gia, từng nền kinh tế, hay từng doanh nghiệp. Chẳng hạn như dưới góc độ đặc điểm khu vực địa lý, văn hóa: Ở nhóm những nước có nền kinh tế phát triển như: Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Á, quản trị (G) là yếu tố quan trọng nhất, được doanh nghiệp chú trọng xây dựng và phát triển (Pineau và cộng sự, 2022). Trong khi đó, môi trường (E) lại là yếu tố quan trọng ở các quốc gia châu Phi cận Sahara. Điều này được giải thích rằng phần lớn người dân kiếm sống từ nông nghiệp đó là lý do môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học quan trọng (Pineau và cộng sự, 2022). Với các quốc gia ở Nam Á theo đạo Hồi, điển hình là Bangladesh, các vấn đề xã hôi lại được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ là yếu tố đảm bảo lợi nhuận đầu tư lành mạnh. Các nhà đầu tư tin tưởng mạnh mẽ rằng, cùng với các vấn đề tài chính, nếu họ xem xét các vấn đề xã hội của các công ty mà họ đầu tư vào thì sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho khoản đầu tư của họ (Sultana và cộng sự, 2018). Tại Việt Nam, theo Báo cáo của PwC (2022) với mẫu 234 đại diện doanh nghiệp, 80% các doanh nghiệp khảo sát cam kết thực hiện ESG trong 2-4 năm tới và 62% trong số đó coi quản trị là yếu tố ưu tiên hàng đầu.

Các hướng dẫn quốc tế

Trong xu thế hiện nay, các bên liên quan sẽ đánh giá ESG như một cánh cửa dẫn đến tương lai và đánh giá về khả năng phát triển bền vững của công ty. Theo thống kê, gần như tất cả 250 công ty hàng đầu thế giới (G250) đều báo cáo về sự phát triển bền vững. Năm 2022, tỷ lệ báo cáo trong nhóm G250 vẫn ở mức 96%, bằng với năm 2020 (KPMG, 2022). Khảo sát này của KPMG cũng cho thấy số lượng các công ty thực hiện báo cáo ESG trong những năm gần đây thuộc nhóm N100 (4900 công ty lớn thuộc 49 quốc gia tham gia) luôn tăng trưởng đều hàng năm và giữ mức cao. Để thực hiện và báo cáo ESG, doanh nghiệp trên thế giới thường sử dụng các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế từ một số tổ chức quốc tế (Bảng 1). Các công ty sử dụng các chuẩn mực này để giúp họ đánh giá và thể hiện mức độ phát triển bền vững thông qua báo cáo ESG hướng tới tính minh bạch và tính bền vững trong hoạt động kinh doanh.

Bảng 1: Tổng quan các hướng dẫn quốc tế về thực hiện và báo cáo ESG

Tên tiếng Anh

Tên tiếng Việt

Nội dung

GRI (Global Reporting Initiative)

Sáng kiến báo cáo toàn cầu

Các tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững tổng thể nhằm thông báo cho tất cả các bên liên quan. Phiên bản mới nhất chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

SASB

(Sustainability Accounting Standards Board)

Hội đồng chuẩn mực kế toán bền vững

Khung báo cáo chuyên ngành tập trung vào tính tài chính nhắm đến các nhà đầu tư và nhà cung cấp vốn. Phiên bản cuối cùng chính thức có hiệu lực từ tháng 10 năm 2018.

UN SDG

(United Nations Sustainable Development Goals)

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc

Một hiệp ước được ký kết bởi các doanh nghiệp cam kết áp dụng các hoạt động kinh doanh bền vững phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Chính thức có hiệu lực từ 25/09/2015.

IIRC

(International Integrated Reporting Council)

Hội đồng Báo cáo Tích hợp Quốc tế

Khung báo cáo tích hợp nhằm liên kết công bố tài chính và tính bền vững truyền thống. Chính thức có hiệu lực từ ngày 26/08/2010.

CDP

(Carbon Disclosure Project)

Dự án công bố cắt giảm carbon

Tập trung vào thu thập dữ liệu và nội dung cho báo cáo khí hậu. Chính thức được thành lập vào năm 2000 đến nay, CDP đã trở thành một tổ chức quốc tế có uy tín.

CDSB

(Climate Disclosure Standards Board)

Ban tiêu chuẩn công bố khí hậu

Khung công bố vấn đề môi trường hướng tới các nhà đầu tư và thị trường tài chính. Chính thức được thành lập vào năm 2007.

TCFD

(Task Force on Climate-related Financial Disclosures)

Lực lượng Đặc nhiệm về Công bố thông tin tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu

 

Cung cấp các thông tin tài chính liên quan đến khí hậu được thành lập vào năm 2015 bởi Ủy ban ổn định tài chính, có nhiệm vụ đánh giá và nâng cao báo cáo về ảnh hưởng của tài chính lên các rủi ro (rủi ro vật lý và rủi ro chuyển đổi) và cơ hội liên quan đến biến đổi khí hậu. Chính thức được thành lập và có hiệu lực vào ngày 04/12/2015.

GHG Protocol

(Greenhouse Gas Protocol)

Nghị định thư khí nhà kính

Tiêu chuẩn khí nhà kính và hướng dẫn tính toán toàn diện. Được phát hành lần đầu vào năm 2001.

SBTi

(Science Based Targets initiative)

Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học

Hiệp hội phê duyệt các mục tiêu phát thải phù hợp với Thỏa thuận Paris (giảm 1,5C vào năm 2030). Bắt đầu hoạt động từ năm 2015.

AA1000 AS (AA1000 Assurance Standard)

Tiêu chuẩn đảm bảo AA1000

Tiêu chuẩn đánh giá và xác minh thông tin về trách nhiệm xã hội và bền vững. Được áp dụng từ năm 2018 nhưng những phiên bản trước đã ra đời từ năm 1999.

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

GRI vẫn là tiêu chuẩn chiếm ưu thế nhất được sử dụng trên toàn thế giới, được 68% N100 và 78% G250 chấp nhận, trong đó châu Mỹ thể hiện mức độ sử dụng cao nhất (KPMG, 2022). GRI được thành lập tại Boston (Mỹ) vào năm 1997 sau sự phản đối kịch liệt của công chúng về thiệt hại môi trường của sự cố tràn dầu Exxon Valdez. Phiên bản đầu tiên của Hướng dẫn GRI (G1) ra đời năm 2000 - cung cấp khuôn khổ toàn cầu đầu tiên cho báo cáo bền vững. Năm 2016, GRI chuyển từ việc cung cấp hướng dẫn sang việc đưa ra các Chuẩn mực toàn cầu đầu tiên cho báo cáo bền vững - The GRI Standards, có hiệu lực từ 1/7/2018, bao gồm Tiêu chuẩn tổng thể, Tiêu chuẩn ngành và Tiêu chuẩn chủ đề. Cụ thể:

Tiêu chuẩn chung áp dụng cho tất cả các tổ chức bao gồm:

- GRI 1: Yêu cầu và nguyên tắc sử dụng Tiêu chuẩn GRI, nêu rõ mục đích của tiêu chuẩn, làm rõ các khái niệm quan trọng và giải thích cách sử dụng tiêu chuẩn, liệt kê các yêu cầu mà một tổ chức phải tuân thủ để báo cáo theo Tiêu chuẩn GRI.

- GRI 2: Công bố thông tin chung bao gồm báo cáo liên quan đến chi tiết về cấu trúc của một tổ chức và việc thực hành báo cáo; sinh hoạt và công nhân; quản trị; chiến lược; chính sách; tập quán; và sự tham gia của các bên liên quan.

- GRI 3: Các chủ đề trọng yếu giải thích các bước mà một tổ chức có thể xác định các chủ đề liên quan nhất đến các hoạt động của mình, và mô tả cách sử dụng các Tiêu chuẩn ngành.

Tiêu chuẩn ngành được xây dựng cho 40 lĩnh vực từ những lĩnh vực có tác động lớn nhất như dầu khí, nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và đánh bắt cá, đồng thời liệt kê các chủ đề có tính trọng yếu đối với hầu hết các tổ chức trong một ngành nhất định và chỉ ra các báo cáo liên quan để báo cáo về các chủ đề này.

Tiêu chuẩn theo từng chủ đề GRI 200 (Chủ đề Kinh tế), GRI 300 (Chủ đề Môi trường), GRI 400 (Chủ đề Xã hội) áp dụng có lựa chọn tùy theo tổ chức

Các quy định hiện hành liên quan đến tiêu chuẩn
môi trường, xã hội và quản trị tại Việt Nam

Sau đại dịch COVID-19, tầm quan trọng của phát triển bền vững và công bố thông tin về ESG được quan tâm mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam cũng vậy. Đặc biệt, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có một số văn bản quan trọng quy định liên quan tới thực hiện, hướng dẫn các công ty thực hành và báo cáo ESG, cũng như thể hiện cam kết hướng tới nền kinh tế Net Zero vào năm 2050. Một số văn bản pháp lý quan trọng như sau:

Về quy định tổng thể, chủ yếu trong các văn bản: Nghị quyết số 136/NQ-CP 2020 ngày 25/9/2020 nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương từ nay đến năm 2030; Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025; Thông tư số 96/2020/TT-BTC yêu cầu về báo cáo thông tin ESG cần công bố đối với các công ty đại chúng và niêm yết.

Về khía cạnh Môi trường (E), các quy định chủ yếu như: Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 (Chương V); Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2022 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 quy định Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 01/2022/QD-TTg ngày 18/01/2022 ban hành mục lĩnh vực phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (Phụ lục 3); Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định về báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và trách nhiệm công khai thông tin môi trường đối với chủ thể kinh doanh; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định đăng ký và báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng O-zon.

Về khía cạnh Xã hội (S), quy định trong các văn bản chủ yếu như: Luật số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 về các vấn đề phúc lợi và nhu cầu cơ bản, tuyển dụng; Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 ngày 20/06/2012 quy định trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công đoàn; Luật Bảo vệ người tiêu dùng số 59/2010/QH12 ngày 17/11/2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định về bảo vệ người tiêu dùng và bảo mật thông tin; Quyết định số 609/QĐ-TLĐ ngày 01/04/2008 phê duyệt dự án tăng cường vai trò của công đoàn trong việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Về khía cạnh Quản trị (G), các quy định chủ yếu như: Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/01/2019 (Chương III) về quản trị công ty áp dụng công ty đại chúng; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 (Chương II); Thông tư số 116/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 (Điều 3,4,5,6,7,8) hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng; Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/06/2020 quy định về Hồ sơ của Hội đồng quản trị và ban điều hành, chế độ lương thưởng của ban quản trị.

Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng và công ty tài chính ở Việt Nam, các quy định về ESG được ban hành sớm hơn so với các lĩnh vực khác, với các văn bản về tín dụng xanh từ năm 2015. Điều này cũng phù hợp với lịch sử phát triển ESG trên thế giới cũng bắt đầu từ ngành Tài chính. Một số văn bản chủ yếu như sau: Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, có nhắc đến trái phiếu doanh nghiệp xanh; Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 có quy định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào hàng và giao dịch tại thị trường nội địa và chào bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, có nhắc đến trái phiếu xanh; Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 có chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam...

Kết luận

Các cơ quan quản lý Nhà nước có thể tạo ra động lực lớn nhất trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng và công bố thông tin về ESG bằng việc ban hành các chính sách và chiến lược phát triển. Những nghiên cứu đi trước trên thế giới cũng như Việt Nam cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp luôn gặp khó khăn do việc thiếu các quy định và hướng dẫn về ESG.

Bởi vậy, trong tương lai gần, các cơ quan nhà nước và cơ quan quản lý Việt Nam cần tận dụng thời cơ và xu thế ESG toàn cầu để sớm ban hành thêm chính sách và quy định khuyến khích rõ ràng hơn nhằm hỗ trợ các công ty trong việc tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh của mình để nắm lấy các dòng vốn đầu tư xanh, nhận diện và quản lý tốt hơn các rủi ro và cơ hội phát triển bền vững, tăng cường tính minh bạch và đáp ứng các yêu cầu hội nhập trong một xu thế ESG của toàn cầu.

(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Bách khoa Hà Nội trong đề tài NCKH mã số T2022-PC-080.

Tài liệu tham khảo:

  1. PwC (2022), Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022, https://www.PwC.com/vn/vn/publications/vietnam-publications/esg-readiness-2022.html;
  2. PwC Vietnam (2019), Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), https://www.pwc.com/vn/vn/services/risk-assurance/sustainability.html;
  3. Thủy, P. T. (2022), ESG với phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam;
  4. GRI (2016), Bộ Tiêu chuẩn Báo cáo Phát triển bền vững GRI hợp nhất;
  5. https://www.globalreporting.org/standards/media/1567/vietnamese-gri-101-foundation-2016.pdf;
  6. Graham, T. (2022). 5 Steps to Developing Your ESG Strategy. https://kpa.io/blog/5-steps-to-developing-your-esg-strategy;
  7. United Nations (2004), Who Cares Wins: Connecting Financial Markets to a Changing World, https://www.unepfi.org/fileadmin/events/2004/stocks/whocareswinsglobalcompact2004.pdf.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023