Tiêu điểm chứng khoán: VN-Index tăng 4 tuần, nhà đầu tư nên làm gì?
Với 4 phiên tăng liên tiếp, VN-Index chốt tuần qua đã chinh phục lại được vùng điểm 1.270, kèm thanh khoản tăng đáng kể. Nhiều cổ phiếu đã bật tăng mạnh kể từ vùng đáy gần nhất hồi trung tuần tháng 4.
Liệu đà tăng có được duy trì khi chỉ số sàn HOSE đã tăng 4 tuần liên tiếp? Nhà đầu tư nắm cổ phiếu cũng như đang ở trạng thái giữ tiền mặt nên hành động gì? Tạp chí Tài chính ghi nhận ý kiến một số chuyên gia dưới đây:
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Cấp cao - Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam:
Xác suất tăng điểm cao, nên cơ cấu cổ phiếu chưa hiệu quả
Theo tôi, xác suất VN-Index tăng điểm cao hơn giảm. Lý do những yếu tố khiến thị trường giảm điểm mạnh ở tháng 4 đã dần qua đi.
Thị trường vàng, tuy giá vẫn tăng nhưng không còn nóng sốt, mất kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đủ khả năng, đủ công cụ, giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường này. Tương tự, NHNN cũng đã thành công khi kìm được sức nóng về tỷ giá. Nhà đầu tư cũng đã quen với chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã thẩm thấu vào giá trên thị trường.
Dù hiện chúng ta không có nhiều thông tin tích cực, nhưng khi hết thông tin tiêu cực cũng đã là yếu tố tích cực. Nhưng do không có nhiều tin tích cực, nổi bật để thu hút mạnh đầu tư, nên thị trường sẽ tăng không mạnh mà theo hướng tích lũy dần, đan xen tăng giảm.
Hiện giờ có hai nhóm nhà đầu tư. Với nhóm nắm giữ cổ phiếu nhiều hơn tiền mặt hoặc hoàn toàn là cổ phiếu, tôi cho rằng nên tiếp tục nắm giữ danh mục. Tuy nhiên, trong danh mục nếu xét thấy cổ phiếu không đạt hiệu quả thì có thể cân nhắc cơ cấu sang cổ phiếu có biên lợi nhuận, khả năng sinh lời tốt hơn.
Với nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt có thể cân nhắc giải ngân dần, đặc biệt trong những phiên điều chỉnh. Hiện là cơ hội cho nhà đầu tư gom mua cổ phiếu trước khi thị trường bước vào những con sóng tăng mạnh hơn trong tương lai.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Thời gian qua, liên tiếp đón nhận các thông tin tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, mở rộng quy mô sản xuất… Theo đó, nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp tăng cao, mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong ngành này.
Nhóm thứ hai là chứng khoán. Tuy thị trường có những phiên biến động nhưng thanh khoản vẫn ổn định, tăng dần. Trước đây, giao dịch đạt bình quân 15.000 tỷ đồng/phiên, hiện đã ở vùng 20.000 tỷ đồng/phiên. Sắp tới, thanh khoản sẽ tiếp tục tăng bởi một số yếu tố như vận hành KRX hay câu chuyện nâng hạng thị trường…
Thứ ba là cổ phiếu bất động sản dân dụng. Sau thời gian khó khăn, năm 2024, các phân khúc bất động sản dân le lói nhịp phục hồi trở lại, với nỗ lực tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ, các ban ngành, địa phương. NHNN đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn nhằm kéo dài thời gian hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ tư là cổ phiếu liên quan đầu tư công. Xuyên suốt năm 2023 và sang năm 2024, Chính phủ, các địa phương, ban ngành đều thể hiện quyết tâm triển khai hàng loạt dự án lớn sân bat, cao tốc, metro, cầu cảng… Do đó, các doanh nghiệp về xây dựng, hạ tầng, vật liệu xây dựng vẫn được hưởng lợi.
Ngoài ra, còn có cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, năng lượng tái tạo, cảng biển… tuy không quá nổi trội nhưng vẫn có sự phục hồi đáng kể.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam:
Khó tránh áp lực chốt lời, mua mới không nên dùng đòn bẩy
Tuần rồi, VN-Index tăng khá mạnh so với tuần giao dịch trước, tổng cộng tăng 2,5%.
Tôi cho rằng, chỉ số chứng khoán sẽ vẫn duy trì đà tăng ở phiên đầu tuần mới. Nhưng khi chỉ số tiệm cận vùng đỉnh cũ 1.300 điểm, áp lực điều chỉnh gia tăng. VN-Index có thể sẽ chỉ tăng nhẹ hoặc đi ngang trong cả tuần, do nhiều cổ phiếu đã vào trạng thái quá mua.
Điểm tích cực thanh khoản sẽ vẫn cao khi hầu như nhà đầu tư thận trọng ở giai đoạn trước đã gia nhập thị trường. Mặt bằng thanh khoản vẫn neo cao như tuần rồi, có thể tăng dần.
Theo tôi, nhà đầu tư nắm tiền mặt theo trường phái giao dịch ngắn hạn cần hạn chế khi VN-Index tiệm cận đỉnh cũ. Nếu nhìn từ đáy ngày 19/4 đến nay, nhiều cổ phiếu đã đạt tỷ suất sinh lời tốt. Thậm chí chỉ tính giai đoạn gần đây, nhiều mã đã có mức lời từ 6 - 10%. Như vậy, khó tránh áp lực chốt lời diễn ra. Việc mua mới đối mặt rủi ro T+ cao.
Thời gian qua, một số yếu tố làm cho đà tăng trung dài hạn chững lại như tỷ giá, vàng… Tuy nhiên, sắp tới những yếu tố này được giảm thiểu, thị trường vẫn xu hướng đi lên. Nếu xác định đầu tư cho giai đoạn năm 2024 thì vẫn nên mua và nắm giữ cổ phiếu có sức bật. Cần lưu ý không nên dùng đòn bẩy.
Các nhóm cổ phiếu có thể cân nhắc cho đầu tư nắm giữ là công nghệ và dịch vụ dầu khí. Dù dòng công nghệ đã tăng đáng kể nhưng câu chuyện của nhóm này là tăng trưởng, điều này còn duy trì thời gian tới.
Với đầu tư ngắn hạn có beta cao, nhà đầu tư có thể lưu ý nhóm ngân hàng, chứng khoán, theo sóng của thị trường.