Nỗ lực giải quyết các vấn đề còn vướng mắc để nâng hạng thị trường chứng khoán
Tháng 6/2025, Việt Nam có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi. Đây là nhận định được Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đề cập trong báo cáo chủ đề “Đánh giá một số nội dung liên quan đến tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Hai vướng mắc lớn trong việc nâng hạng thị trường
Ngày 26/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) lấy ý kiến dự thảo Quyết định ban hành Quy chế sử dụng Hệ thống công bố thông tin. Theo đó, UBCKNN sẽ triển khai báo cáo công bố thông tin một đầu mối đối với tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội, tổ chức niêm yết tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh.
Trước đó, vào ngày 20/3, UBCKNN cũng đã lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của Công ty chứng khoán (CTCK) và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK).
BSC đánh giá đây là những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc chuẩn hóa lại hệ thống cũng như hướng đến giải quyết những nút thắt còn vướng mắc nhằm hướng đến mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam vào 2025.
Theo nhận định của BSC, kể từ thời điểm báo cáo đánh giá tháng 3/2023 có phần kém tích cực của FTSE Russell, cơ quan quản lý đặc biệt là Bộ Tài chính, UBCKNN và các thành viên thị trường đã có những hành động và giải pháp quyết liệt để tháo gỡ các nút thắt còn thiếu trong khuyến nghị của FTSE. Kết quả trong 2 kỳ đánh giá gần nhất (tháng 9/2023 và tháng 3/2024) TTCK Việt Nam đã nhận được những đánh giá tích cực hơn, đồng thời FTSE đã ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý - cụ thể là quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ - trong việc giải quyết các nút thắt còn vướng mắc.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Thông báo số 122/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có các biện pháp, hành động khẩn trương nhằm tháo gỡ các nút thắt để sớm nâng hạng thị trường.
Mới đây nhất, Bộ Tài chính, UBCKNN đang xin ý kiến các thành viên thị trường, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài trong việc sửa đổi một số các thông tư quan trọng bao gồm Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020; Thông tư số 119/2020/TT-BTC, Thông tư số 120/2020/TT-BTC, Thông tư số 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính cùng ban hành ngày 31/12/2020. BSC nhận định, nếu dự thảo được thông qua sẽ giải quyết phần lớn các vấn đề còn vướng mắc trong việc nâng hạng thị trường:
Thứ nhất là đối với vấn đề "pre-funding": Về cơ bản đã gia tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho các CTCK trong việc đưa ra quyết định giao dịch ký quỹ không đủ 100% của NĐT nước ngoài.
BSC nhìn nhân, trong ngắn hạn, nếu dự thảo này được thông qua và đi vào triển khai thí điểm nhận được phản hồi tốt từ các NĐT nước ngoài sẽ giúp TTCK ghi nhận được đánh giá tích cực từ FTSE - sớm nhất là trong kỳ đánh giá vào tháng 9/2024.
Về lâu dài, cần có sự chấp thuận của NHNN khi cho phép ngân hàng lưu ký đồng thời trở thành thành viên bù trừ bên cạnh hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Một khi được chính thức triển khai thực hiện, sẽ là giải pháp toàn diện cho vấn đề này.
Nếu được sự chấp thuận của NHNN, vai trò của ngân hàng sẽ được gia tăng, san sẻ với các CTCK trong việc phối hợp, trao đổi thông tin để xử lý triệt để vấn đề giao dịch không ký quỹ của NĐT nước ngoài nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa trong tình huống khách hàng không có đủ tiền thanh toán khi đến thời điểm cần thực hiện nghĩa vụ.
Thứ hai là đối với vấn đề công bố thông tin bằng Tiếng Anh: Đã đưa ra lộ trình cụ thể đối với các thành viên trên thị trường, đặc biệt là công ty đại chúng nhằm đảm bảo tính công bằng trong việc tiếp cận thông tin đối với NĐT nước ngoài.
BSC nhận định, đây là một nỗ lực lớn của cơ quan quản lý và cần sự vào cuộc quyết liệt của các công ty đại chúng trong việc cụ thể hóa lộ trình này - theo lộ trình đến năm 2028 các công ty đại chúng sẽ bắt buộc công bố thông tin (định kỳ và bất thường) bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh).
Nếu triển khai thành công, TTCK Việt Nam nhiều khả năng sẽ cải thiện đáng kể trong các kỳ đánh giá định kỳ của FTSE cũng như MSCI khi NĐT nước ngoài cho phản hồi tích cực về nội dung này. Trong tương lai gần vào tháng 6/2025, TTCK Việt Nam có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi (Watch list) được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi quy chế công bố thông tin là bước đi cần thiết tiếp theo để tạo điều kiện thuận lợi, chuẩn hóa quy trình cho các tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch thực hiện báo cáo, công bố thông tin trên hệ thống IDS cũng như hệ thống của các SGDCK tạo điều kiện để các NĐT, đặc biệt là các NĐT nước ngoài tiếp cận dữ liệu một cách chính thống, bài bản có hệ thống và hiệu quả.
Cần sự chung tay và nỗ lực từ các thành viên thị trường
BSC cho rằng, nỗ lực của cơ quan quản lý kể từ tháng 7/2023 đến nay là rất tích cực trong việc chủ động tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Tài chính, UBCKNN. Tuy nhiên, để sớm hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng TTCK vào năm 2025 theo xếp hạng của FTSE Russell rất cần sự chung tay và nỗ lực từ các thành viên thị trường.
Đặc biệt, phải kể đến sự tham gia, tìm kiếm giải pháp từ NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các vấn đề về gồm tỷ lệ sở hữu nước ngoài; vai trò của ngân hàng trong hệ thống thanh toán đối tác bù trừ trung tâm (CCP); xây dựng cơ chế để xem xét áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) phù hợp với Luật Doanh nghiệp để áp dụng đối với các ngành nghề hạn chế sở hữu NĐT nước ngoài nhưng vẫn đủ hấp dẫn đầu tư đối với họ...