Tìm “cửa” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gọi vốn
Huy động vốn luôn là bài toán khó với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nút thắt chính vẫn nằm ở việc thiếu tài sản đảm bảo và kinh nghiệm lập hồ sơ dự án.
Vốn, bài toán khó của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, so với nhiều quốc gia trong khu vực, sự quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam chậm hơn nhiều, dù đây được đánh giá là động lực chính của nền kinh tế.
Hiện cả nước có hơn 500.000 DNNVV, khu vực doanh nghiệp này đang đóng góp khoảng 48% GDP, đóng góp 33% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho hơn 8,4 triệu lao động, chiếm 62% tỷ lệ lao động cả nước.
Đó là chưa kể một lực lượng đông đảo lao động không chính thức tại các hộ kinh doanh gia đình. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có hơn 284.000 DNNVV, trong đó có hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể.
Cũng theo ông Nam, đa phần DNNVV Việt Nam có quy mô kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, nhiều DNNVV muốn tiếp cận vốn vay tín dụng “rớt ngay từ vòng gửi xe”, do không có tài sản đảm bảo, không có kỹ năng trong lập hồ sơ dự án vay vốn. Phần lớn doanh nghiệp phải đang loay hoay trong việc tìm vốn.
Về nghịch lý DNNVV luôn “đói vốn” trong khi ngân hàng thừa tiền, ông Trần Bửu Long, Phó giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những lý do hàng đầu vẫn là những tiêu chuẩn, điều kiện vay vốn và gánh nặng lãi suất.
Ông Long thừa nhận, Quỹ bảo lãnh tín dụng TP. Hồ Chí Minh được thành lập với vai trò hỗ trợ tài chính cũng như tư vấn hỗ trợ cho DNNVV trên địa bàn Thành phố, nhưng Quỹ hầu như chỉ nhận vai trò tư vấn, gợi ý cho doanh nghiệp những nơi để có thể gọi vốn, mặc dù cấp vốn là một chức năng chính của Quỹ.
Vướng mắc lớn nhất khiến Quỹ bảo lãnh tín dụng hầu như không thực hiện chức năng cấp vốn, theo ông Long, là quy định đòi hỏi DNNVV phải có tài sản đảm bảo khi vay vốn tại Quyết định 58/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Cửa gọi vốn rẻ vẫn có
Theo bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mỗi quỹ hay tổ chức tín dụng sẽ có những tiêu chí lựa chọn riêng, nhưng nhìn chung doanh nghiệp muốn gọi được vốn trước hết phải chứng minh được tính khả thi cũng như hiệu quả từ dự án kinh doanh của mình.
Về hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, quỹ được thành lập với mục tiêu hỗ trợ vốn DNNVV thuộc các đối tượng ưu tiên của Chính phủ nâng cao sức cạnh tranh, bà Hồng cho biết, đến nay, Quỹ đã tiếp cận trực tiếp với 200 doanh nghiệp.
Do Quỹ mới công bố hoạt động từ tháng 4/2016, nên hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá về hiệu quả của Quỹ. Trong năm 2016, bà Hồng kỳ vọng Quỹ sẽ có thể giải ngân 560 tỷ đồng hỗ trợ cho hoạt động của DNNVV.
Cũng trong những bước đầu tiên này, Quỹ sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ cho những doanh nghiệp sản xuất trực tiếp và sẽ có kế hoạch mở rộng đối tượng cho vay trong thời gian tới.
Một điểm sáng đáng chú ý trong hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV là việc cho phép doanh nghiệp có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Ngân hàng nhận ủy thác được xem xét cho vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 3 ngân hàng nhận ủy thác của Quỹ, bao gồm Vietcombank, BIDV và HDBank.
Trong khi chờ nút thắt chính sách hỗ trợ tín dụng cho DNNVV được tháo gỡ, các chuyên gia cũng gợi ý các doanh nghiệp này có thể tìm đến nhiều quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ.
Bà Hồng cho biết, hiện có nhiều quỹ đầu tư, chương trình hỗ trợ cho một số ngành nghề liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch.
Chẳng hạn, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (HSIF) dành cơ chế ưu tiên cho những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ trong sản xuất.
Bên cạnh đó, Quỹ cũng sẽ xem xét đầu tư vào những dự án, sáng chế có tính thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao do các nhà khoa học, giảng viên, thậm chí sinh viên của các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh khởi xướng.
HSIF có quy mô 100 tỷ đồng hoạt động theo hình thức vốn xoay vòng, tức sẽ đầu tư tài chính cho một dự án tối thiểu 1 năm, sau khi hoạt động doanh nghiệp hoặc dự án đã ổn định, Quỹ sẽ xem xét rút vốn để đầu tư vào doanh nghiệp khác.
Trong khi đó, Quỹ hỗ trợ đầu tư Xanh (GIF) với quy mô vốn 110 tỷ đồng được cấp bởi Chính phủ Đan Mạch hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong giai đoạn 2015-2016, Quỹ dự kiến hỗ trợ cho khoảng 70 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tổng ngân sách hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch cho Chương trình quốc gia Việt Nam về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả giai đoạn 2013-2016 là 11,7 triệu USD.
Ngoài ra, Chương trình thúc đẩy doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam – Phần Lan (IPP) hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp dưới hình thức hợp tác liên doanh nước ngoài. Cụ thể, các dự án được chương trình hỗ trợ phải có sự tham gia của doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Ba Lan với mục đích tạo ra lợi nhuận cho cả hai bên.
Tính đến nay, IPP đã hỗ trợ được cho hơn 18 doanh nghiệp Việt Nam trong tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, sản phẩm ra thế giới thông qua chương trình hợp tác.
IPP nhận tài trợ cho những dự án có tổng chi phí từ 200.000 - 400.000 USD, trung bình 100.000 USD cho mỗi dự án. Trong thời gian tới, IPP dự kiến tiếp tục tài trợ 5-15 dự án trong vòng 24 tháng, thời gian nhận hồ sơ đăng ký từ 15/10-15/12/2016 và kết quả lựa chọn sẽ được công bố sau Tết 2017.