Tìm hiểu kỹ nhà ở xã hội để tránh rắc rối

Theo Lê Anh/sgtiepthi.vn

Do nhà ở xã hội có giá rẻ nên phân khúc này luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Vì thế, khi mua nhà ở xã hội, người mua cũng cần tìm hiểu kỹ các dự án để tránh những rắc rối về sau vì mua nhà ở xã hội có rất nhiều điều kiện đi kèm, nhất là nếu mua bán, chuyển nhượng trái quy định có thể bị mất trắng.

Người mua nhà ở xã hội cần tìm hiểu kỹ các thông tin để tránh rủi ro. Trong ảnh một dự án nhà ở xã hội ở huyện Bình Chánh. Ảnh: Anh Quân
Người mua nhà ở xã hội cần tìm hiểu kỹ các thông tin để tránh rủi ro. Trong ảnh một dự án nhà ở xã hội ở huyện Bình Chánh. Ảnh: Anh Quân

Đáp ứng đủ điều kiện mới được mua

Theo thông tin hồi tháng 7/2018 từ Sở xây dựng TP. Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 20 dự án nhà ở xã hội đang trong quá trình thi công. Các dự án này chủ yếu nằm ở các quận ngoại thành như quận 12, quận 9, huyện Bình Chánh… Người mua có thể tìm hiểu từng dự án trên website của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh ở mục nhà ở xã hội.

Về giá bán, theo quy định thì nhà ở xã hội có giá bán không quá 15 triệu đồng/m2. Theo thông tin được Sở Xây dựng công bố, giá bán các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay từ 12 đến 14,5 triệu đồng/m2, với giá từ 580 triệu đồng đến gần 1 tỉ đồng một căn tùy theo tiện ích.

Theo quy định, người được mua nhà ở xã hội phải thỏa mãn hai điều kiện. Điều kiện cần là người mua phải thuộc 10 đối tượng như người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan; cán bộ, công chức, viên chức…

Điều kiện đủ phải đáp ứng đủ ba điều kiện sau: chưa sở hữu nhà ở, đất ở tại TP. Hồ Chí Minh; thu nhập không đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên; nếu đã có gia đình thì cả vợ và chồng đều phải không đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên; người mua phải có sổ hộ khẩu hoặc KT3 hoặc có xác nhận tạm trú trên 1 năm tại TP. Hồ Chí Minh. Trường hợp không có sổ hộ khẩu, người mua phải có thêm hợp đồng lao động trên 1 năm, và xác nhận đang tham gia bảo hiểm xã hội tại TP. Hồ Chí Minh trên 1 năm.

Người mua cần đối chiếu các quy định để xem mình có thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội hay không để tránh trường hợp mất công sức làm hồ sơ mà không được Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh phê duyệt.

Điều 22 nghị định 100/2015 quy định, thủ tục, hồ sơ mua nhà ở xã hội gồm đơn đăng ký mua nhà ở xã hội (theo mẫu); 3 bản chứng thực chứng minh nhân dân; 3 bản chứng thực đăng ký hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Các đối tượng cần phải có giấy xác nhận đối tượng và thực trạng nhà ở.

Sau đó, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên về sở xây dựng của địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm tránh tình trạng người được mua, thuê, hay thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần.

Người mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian thuê nhà theo hợp đồng đã ký với bên cho thuê. Ngoài ra, người mua nhà ở xã hội cũng không được thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua.

Những điều cần lưu ý

Nếu so sánh với nhà ở thương mại thì nhà ở xã hội chỉ bỏ ra một khoản tiền lúc đầu không quá lớn (tối thiểu là 20% giá trị căn hộ) rồi hàng tháng trả góp khoảng 2-3 triệu đồng. Đồng thời, người mua được vay với lãi suất ưu đãi. Nhược điểm của loại hình này là diện tích khá nhỏ so với nhu cầu sử dụng của gia đình và chỉ được chuyển nhượng sau 5 năm ký hợp đồng. Nhà ở xã hội không có nhiều tiện ích như nhà ở thương mại.

Dù là nhà ở xã hội nhưng khi quyết định mua, người mua cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin dự án trên các website, sàn giao dịch bất động sản uy tín. Đặc biệt cần tìm hiểu kỹ tiến độ dự án, chủ đầu tư có uy tín không, bởi hiện nay khi bán các dự án đều được quảng cáo với những từ hoa mỹ và tạo ra những hiện tượng như cháy hàng.

Người mua nên chọn những chủ đầu tư đã làm dự án nhà ở xã hội trước đó đúng tiến độ. Nếu quyết định mua, người mua có thể đến xem những dự án mà chủ đầu tư đã xây trước đó để biết được chất lượng thi công. Mặc dù những dự án nhà ở xã hội không có nhiều tiện ích đi kèm nhưng ít ra cũng phải đáp ứng được một vài yêu cầu cơ bản như có khuôn viên, có hầm giữ xe, gần siêu thị hoặc chợ, khoảng cách đi vào khu trung tâm không quá xa…

Để tránh rắc rối về sau, người mua không nên mua nhà ở xã hội theo dạng mua lại vì loại hình này không cho phép mua bán trong thời gian 5 năm. Và theo quy định của Luật Nhà ở 2014, mọi trường hợp cho thuê hoặc bán nhà ở xã hội không đúng quy định thì phải bàn giao lại nhà cho đơn vị quản lý, nếu không UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở sẽ cưỡng chế thu hồi.

Được vay vốn 4,8%/năm để mua nhà

 

Hồi tháng 4 năm nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chính thức triển khai chương trình cho vay mua nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc với lãi suất 4,8%/năm (0,4%/tháng). Điều kiện được vay là phải đáp ứng một số điều kiện như có đủ 20% vốn trên tổng giá trị căn hộ, có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng được mua nhà ở xã hội…Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm.