Tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
(Tài chính) Trong hai ngày 10-11/6/2014 tại Jakarta, Indonesia đã diễn ra Hội nghị Cấp cao về tài trợ phát triển bền vững khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Muhammed Chatib Basri - và Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Thư ký điều hành ESCAP Samshad Akhtar chủ trì Hội nghị. Hội nghị cấp cao do Bộ Tài chính Indonesia và Ủy ban Kinh tế xã hội Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) đồng tổ chức. Thay mặt Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trương Chí Trung đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu từ khu vực nhà nước: Bộ trưởng Tài chính, Phát triển kinh tế, Kế hoạch, Thống đốc Ngân hàng trung ương của các nước trong khu vực, các Đại sứ, các tổ chức Liên hợp quốc và định chế tài chính quốc tế, các tổ chức của khu vực tư nhân và xã hội dân sự tham dự để trao đổi về cách thức thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ cho phát triển bền vững trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong thời gian Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi các chủ đề: Huy động nguồn lực trong nước, phát triển thị trường vốn trong nước, tài trợ cơ sở hạ tầng và quan hệ đối tác công - tư (PPP), tài trợ biến đổi khí hậu, đầu tư thể chế và kết nối các thị trường vốn, tài chính toàn diện, và hợp tác Nam - Nam, tam giác và khu vực.
Tại Hội nghị Liên hợp quốc 2012 về phát triển bền vững (Rio+20), các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí giai đoạn phát triển toàn cầu tiếp theo phải đảm bảo có sự cân bằng hơn giữa ba trụ cột của bền vững là phát triển kinh tế, công bằng xã hội và quản lý môi trường. Sự thống nhất này đã đưa đến việc mở rộng Chương trình Nghị sự phát triển hậu 2015 ra ngoài phạm vi giảm đói nghèo và các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), bao gồm cả vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường, đòi hỏi phải đảm bảo được các nguồn lực thỏa đáng (như tài trợ công, tư, quốc tế và trong nước), đồng thời phải khai phá các khuôn khổ chính sách mới cho các quan hệ đối tác mới ở tầm quốc gia cũng như quốc tế, kết hợp được khả năng sinh lời với các mục tiêu phát triển bền vững.
Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác tài chính vì sự phát triển là một phần quan trọng trong Tuyên bố Hợp tác và hội nhập khu vực của Hội nghị Bộ trưởng ESCAP 2013. Không có khu vực nào trên thế giới mà ở đó việc tài trợ cho phát triển bền vững lại quan trọng hơn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Là nơi chiếm 2/3 người nghèo trên thế giới, đặc trưng của khu vực là nhu cầu tài trợ khổng lồ nhưng cơ hội cũng là rất lớn. Chắc chắn cơ hội thu được tỷ lệ hoàn vốn cao sẽ hấp dẫn hàng tỷ USD vốn chuyển vào khu vực, tuy nhiên xu hướng và sự lựa chọn tập trung ngắn hạn vào một số ít quốc gia và lĩnh vực cũng sẽ giảm thiểu sự đóng góp của các luồng vốn này cho sự phát triển.
Cái thiếu hiện nay là tại khu vực không có các cơ chế trung gian tài chính mạnh để chuyển nguồn lực vào các dự án đầu tư có khả năng tăng năng suất và bền vững. Huy động các nguồn thu chính phủ tại nhiều nước đang phát triển cũng vẫn còn giữ ở mức thấp. Cơ sở thu thuế hạn hẹp và sự khắc khổ tài khóa đã gây hậu quả tiêu cực cho tăng trưởng kinh tế, làm giảm tăng trưởng nguồn thu. Hơn nữa, nhiều nước còn có khu vực tài chính phát triển chưa thỏa đáng.
Các đại biểu đã thảo luận cách thức để có các chính sách thuế phù hợp hơn, kết hợp với việc giảm trốn lậu thuế. Chi tiêu công hiệu quả hơn cũng có thể tăng cường vai trò phát triển của chính sách tài khóa. Các quốc gia trong khu vực cần tăng cường các cơ chế giám sát trong xây dựng thị trường vốn có độ thanh khoản, trong đó có phát triển các nhà đầu tư thể chế trong nước, làm trung gian hữu hiệu giữa người tiết kiệm và các công ty tìm kiếm vốn đầu tư.
Một vấn đề thảo luận quan trọng khác là làm sao để các nguồn tiết kiệm khổng lồ của một nước có thể đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu vốn, đặc biệt là vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của các nước khác trong khu vực. Về việc này, việc khám phá các cấu trúc tài chính khu vực và kế hoạch của Ngân hàng Phát triển Châu Á trong tăng cường cơ sở vốn và phục vụ yêu cầu lớn hơn về phát triển bền vững cũng là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, tại nhiều nước trong khu vực, năng lực chuẩn bị dự án có khả năng vay ngân hàng, khớp nối dự án với nhà đầu tư, triển khai thực hiện hiệu quả quản lý dự án cũng như các biện pháp quản lý rủi ro là còn thấp. Năng lực này có tầm quan trọng trong khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng, vì vậy cần có biện pháp đẩy mạnh và tài trợ cho các hoạt động xây dựng năng lực trong lĩnh vực này.
Hội nghị cũng thảo luận về mối đe dọa ô nhiễm và các thách thức môi trường khác đặt ra cho các thành tựu kinh tế và xã hội của khu vực cũng như về vai trò của tài chính. Chiến lược tài chính của khu vực cần nhìn nhiều hơn về phía trước. Những cơ chế đổi mới như thuế giao dịch tài chính, thuế các-bon, luật trách nhiệm giải quyết hậu quả ô nhiễm và các cơ chế tương tự có thể được sử dụng để tăng nguồn thu mới cho tài chính công. Những chính sách tài chính như vậy cũng phải nhằm mục tiêu tăng quy mô đầu tư vào các dạng năng lượng mới và cơ sở hạ tầng xanh, cộng thêm với việc huy động vốn thông qua các sắc thuế ở cấp quốc gia và khu vực, và lồng ghép các nguyên tắc thân thiện môi trường vào các quyết định của chính phủ và của doanh nghiệp.
Chia sẻ trách nhiệm
Thông qua thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã thống nhất báo cáo lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc: Đây là khu vực có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững toàn cầu; mọi nguồn lực đều cần thiết cho phát triển; các quốc gia đều tự có trách nhiệm đối với nước mình nhưng hợp tác khu vực có thể giúp nhau cùng phát triển; Chương trình phát triển hậu 2015 mang tính toàn cầu, các quốc gia đều chia sẻ trách nhiệm thực hiện; khu vực này có nhiều tiềm năng tiết kiệm có thể thu hút để phát triển bền vững; tuy nhiên, khu vực cũng còn những thách thức phải đối mặt như tình trạng nghèo đói, khu vực tài chính chưa phát triển, hậu quả biến đổi khí hậu,...
Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia tích cực vào tất cả các chương trình nghị sự của Hội nghi. Đặc biệt, Thứ trưởng Trương Chí Trung đã tham gia tọa đàm và phát biểu về cải cách thuế của Việt Nam, những thành công trong tăng nguồn thu từ thuế và phi thuế cũng như thách thứ đang gặp phải trong cải cách quản lý thuế tại phiên thảo luận về chủ đề "Huy động nguồn lực trong nước".
Việc huy động nguồn thu, đặc biệt thông qua thuế luôn là một trong những áp lực mạnh đối với bất kỳ nước nào quyết tâm đầu tư cho phát triển bền vững. Đối với nhiều nước trong khu vực, thu từ thuế vừa không đủ vừa thiếu công bằng. Do vậy, các nước cần tìm ra các cách thức tăng cường nguồn thu, xác định thứ tự ưu tiên chi tiêu công để định hướng nhiều hơn vào phát triển, và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn thu tự nhiên cho đầu tư phát triển.
Về kinh nghiệm Việt Nam, Thứ trưởng đã giới thiệu tình hình thu ngân sách nhà nước trong những năm gần đây, đặc biệt nhấn mạnh vào các cải cách chính sách và quản lý thuế để tăng cường hiệu quả hệ thống thuế nhằm tăng cường nguồn thu nói chung và nguồn thu cho đầu tư phát triển bền vững. Chủ đề thảo luận này đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng cao của các đại biểu tham dự Hội nghị.