Tìm vốn cho nhà ở xã hội
Hàng loạt những vấn đề bất cập của thị trường bất động sản và các giải pháp tháo gỡ được đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2019 vừa khai mạc sáng nay 27/11 tại Hà Nội.
Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2019 có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương, các chuyên gia – nhà quản lý, nhà kinh tế hàng đầu...
Các diễn giả đã đưa ra cái nhìn tổng quan thị trường bất động sản trong năm 2019 và dự báo xu hướng thị trường năm 2020, những vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp bất động sản như hành lang pháp lý, thủ tục hành chính, vốn, thuế…
Một trong những vấn đề được quan tâm tại diễn đàn là nhà ở xã hội vẫn thiếu, khó khăn lớn nhất vẫn là vốn. Hiện ngân sách nhà nước chưa bố trí đủ nguồn vốn cho loại hình nhà ở này, đặc biệt là chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại cho vay nhà ở xã hội.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng chủ yếu tập trung vào một số nhà đầu tư lớn và phân khúc bất động sản cao cấp. Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, họ cũng có quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội nhưng các chính sách hiện nay không đủ hấp dẫn, chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi đáng kể nào.
Cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500 m².
Đang tiếp tục triển khai 220 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn, với tổng diện tích khoảng 8.982.000 m².
Để giải quyết vấn đề này, PGS., TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các địa phương cần chú trọng đến việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để có cơ sở bố trí quỹ đất, nguồn lực phục vụ cho phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan cần tìm kiếm nguồn vốn tạo quỹ hỗ trợ lãi suất cho phát triển nhà giá thấp. Tìm kiến các nguồn khả đụng để hình thành các quỹ hỗ trợ đầu tư bất động sản giá thấp tương tự như gói 30 nghìn tỷ những năm 2013-2016.
Chia sẻ khó khăn về vốn với các nhà đầu tư, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục định hướng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung tín dụng vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách mới, chủ động thực hiện việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, điều chỉnh tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay lớn, đối với các khoản cho vay phục vụ nhu cầu về nhà ở xã hội, vẫn áp dụng hệ số rủi ro 50% nhằm khuyến khích tiêu dùng bất động sản vào phân khúc này.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, đặc biệt hỗ trợ nhà ở cho đối tượng là công nhân trong khu công nghiệp để ổn định chỗ ở.