Tín dụng tiêu dùng: 1 triệu tỷ đồng vào 2019
Tín dụng tiêu dùng (TDTD) đang có tốc độ tăng rất nhanh trong vòng 10 năm qua, dự kiến quy mô TDTD sẽ tiến tới mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019. Sự tăng trưởng nhanh chóng đang đặt ra đối với cơ quan quản lý giải pháp xử lý để tránh dẫn đến khủng hoảng TDTD.
Tốc độ tăng trưởng nhanh
Theo số liệu của Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, tỷ trọng tiêu dùng trên GDP của Việt Nam đã có tốc độ tăng rất nhanh, năm 2005 con số này là 52,5% và đến năm 2009 đã lên đến 77,7%.
Trong giai đoạn 2010-2016, do tăng trưởng kinh tế suy giảm nên năm 2012, tỷ lệ tiêu dùng trên GDP giảm đến đáy, song tỷ lệ lại bắt đầu bật tăng từ năm 2013 và đạt đến 78,34% vào năm 2016. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển, tại Singapore tỷ lệ tiêu dùng trên GDP là 37%, tại Anh 65%, tại Đức 54% và Nhật Bản 59%.
Cầu tiêu dùng tăng mạnh, cộng với tăng trưởng kinh tế khá ổn định, tạo tâm lý kỳ vọng thu nhập trong tương lai tăng đã kích thích nhu cầu TDTD, người dân sẵn sàng vay tiêu dùng hiện tại và trả nợ bằng thu nhập tương lai. Thống kê của NHNN, tốc độ tăng trưởng TDTD bình quân từ năm 2010 tới nay là 20%/năm.
Tính đến cuối năm 2016, dư nợ TDTD đạt mức 646.000 tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. 6 tháng đầu năm 2017, quy mô thị trường TDTD đạt khoảng 744.000 tỷ đồng chiếm 12,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Hiện dân số Việt Nam khoảng 95 triệu dân, trong đó 60-65% trong độ tuổi lao động, tức khoảng 60 triệu người. Khoảng hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động có thu nhập trung bình dưới 10 triệu đồng/tháng có nhu cầu vay tiêu dùng. Trong 10 năm qua, lĩnh vực tài chính tiêu dùng chỉ mới phục vụ khoảng 1/3 khách hàng có nhu cầu.
Vì vậy, tiềm năng và cơ hội tăng trưởng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam còn rất lớn và dự báo đà tăng trưởng sẽ liên tục đạt mức 2 con số mỗi năm trong vòng ít nhất 5 năm tới. Một dự báo đưa ra gần đây nhận định, quy mô thị trường TDTD Việt Nam sẽ tiến tới mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019 với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm.
Biến tướng trong tín dụng tiêu dùng
Cho vay tiêu dùng chủ yếu cho vay tín chấp ở các nước phát triển, chiếm 30% dư nợ TDTD. Song ở Việt Nam, cho vay tiêu dùng tín chấp chủ yếu do các công ty tài chính (CTTC) triển khai với tỷ lệ khoảng 30-35% tổng dư nợ (các NHTM thấp hơn). Cho vay tiêu dùng có 4 sản phẩm quan trọng, nhưng ở Việt Nam chỉ có vay mua nhà, sửa nhà chiếm tỷ lệ cao với gần 50% dư nợ TDTD; vay mua ô tô tại châu Âu chiếm 31%, còn Việt Nam chỉ khoảng 10%; 2 sản phẩm là thẻ tín dụng và cho vay sinh viên lại Việt Nam lại chưa phổ biến, trong khi sản phẩm này tại các nước khác rất phát triển.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cảnh báo tỷ lệ tiêu dùng trên GDP của Việt Nam tăng quá nhanh trong thời gian quá ngắn và đang ở mức rất cao. Tỷ lệ tiêu dùng trên GDP hiện nay cao hơn châu Âu và Hoa Kỳ là điều không bình thường. Điều này cho thấy dù tăng trưởng tiêu dùng rất tốt nhưng cũng phải có tỷ lệ an toàn vĩ mô, an toàn dài hạn cho nền kinh tế.
Một vấn đề đáng chú ý nữa là phần lớn vay tiêu dùng ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào mua nhà, mua ô tô và nay xuất hiện thêm tình trạng biến tướng vay vốn của nhiều tập đoàn bất động sản. Các tập đoàn này cho cán bộ công nhân viên làm hồ sơ vay vốn để mua nhà của chính tập đoàn đó.
Như vậy, họ tạo ra nhu cầu ảo và con số đó được thống kê vào TDTD nhưng không tạo ra tăng trưởng kinh tế, không tạo ra thanh khoản cho lĩnh vực bất động sản. Dạng biến tướng này cũng bắt đầu xuất hiện ở các công ty kinh doanh ô tô, hàng gia dụng. Do đó, nếu không giám sát vi mô một cách bài bản sẽ dẫn đến khủng hoảng TDTD trong tương lai, dẫn đến vỡ nợ như từng xảy ra đối với quỹ tín dụng nhân dân trước đây.
Chưa bảo vệ quyền lợi khách hàng
Chưa bảo vệ quyền lợi khách hàng
Cuối năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư 39/2016 và Thông tư 43/2016, nhằm điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, nhưng nội dung các thông tư vẫn nghiêng về bảo vệ các TCTD. Dưới áp lực cạnh tranh, các TCTD đang mở rộng phạm vi khách hàng cho vay tiêu dùng, trong đó có nhiều người vay tiêu dùng có thu nhập không cao, nhận thức về pháp luật chưa rõ ràng, không lường được rủi ro trong việc vay mượn tiêu dùng.
Trong khi các nước đều có hệ thống pháp luật chặt chẽ, chú trọng bảo vệ khách hàng trong hoạt động TDTD. Như Hoa Kỳ đang áp dụng 8 đạo luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền lợi khách hàng tham gia vào hoạt động TDTD; các định chế tài chính triển khai TDTD buộc phải công khai các thông tin liên quan đến sản phẩm, các điều khoản của hợp đồng, lãi suất, phí suất… đến khách hàng.
Nhìn lại bài học khủng hoảng về thẻ tín dụng của Hàn Quốc năm 2003 sẽ thấy, thị trường TDTD của Việt Nam qua các thời kỳ cũng mang biểu hiện tương tự. Năm 1997, Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính châu Á và đến năm 1999 bắt đầu từ đáy đi lên. Đến năm 2000, các NH dư thừa tín dụng, nhưng hoạt động cho vay của các NH không phát triển mạnh được, nên chuyển hướng đẩy mạnh cho vay qua thẻ tín dụng.
Khi cho vay qua thẻ tín dụng tăng mạnh, nhưng hệ thống quản lý chưa theo kịp dẫn đến rất nhiều khách hàng vay quá khả năng chi trả. Năm 2003, đồng loạt nhiều khách hàng không có khả năng chi trả khoản nợ qua thẻ tín dụng, đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng và ảnh hưởng đến tăng trưởng của Hàn Quốc sau này. Điều đó cho thấy, nếu các TCTD cẩn trọng trong cho vay, chú trọng bảo vệ khách hàng cũng sẽ bảo vệ chính mình, từ đó đảm bảo cho hoạt động cho vay tiêu dùng bền vững hơn.