Thẩm định khách hàng vay tiêu dùng

Theo thoibaonganhang.vn

Muốn đẩy mạnh hình thức cho vay tiêu dùng nhưng vẫn quản lý được rủi ro, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống xếp hạng tín dụng cá nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều dư địa cho vay tiêu dùng

Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tiêu dùng vẫn còn tiềm năng tăng khi tỷ lệ của tiêu dùng cá nhân so với GDP hiện thấp hơn đáng kể so với mức thu nhập bình quân đầu người.

Cụ thể, tỷ lệ tiêu dùng cá nhân so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 của Philippines là 73,7%; của Ai Cập là 80,3%; trong khi của Việt Nam chỉ là 65,1%. Từ nay đến cuối năm, tiêu dùng có thể được đẩy mạnh nhờ tốc độ lạm phát giảm, qua đó cải thiện sức mua của người dân và tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tốt.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, phân khúc bán lẻ không chỉ hấp dẫn đối với hệ thống ngân hàng và nhà đầu tư trong nước mà còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại. Mới đây, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, Chính phủ yêu cầu NHNN xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, trong 10 năm qua, xu hướng tiêu dùng thị trường Việt Nam thay đổi rõ rệt, người dân sẵn sàng chi tiêu trước cho các nhu cầu đời sống thay vì tiết kiệm trước, chi tiêu sau; chuyển từ tiền mặt sang thẻ tín dụng trong thanh toán và sử dụng các kênh bán lẻ trực tuyến thay vì chuỗi cửa hàng bán lẻ như trước kia. Việt Nam có dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ và thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng cùng với những chính sách phát triển tín dụng tiêu dùng đã và đang được xây dựng sẽ tạo đà cho tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bùng nổ trong tương lai.

Theo anh B.H, ngụ quận 8 TP. Hồ Chí Minh, trước đây, anh từng tiếp cận “tín dụng đen” và người cho vay cho biết, khi có 2 hình thức trả góp là trả góp ngày, góp tháng. Nếu trả góp ngày, mỗi 1 triệu đồng sẽ góp 50.000 đồng/ngày, thời gian góp là 24 ngày, tổng số tiền trả cho chủ nợ là 1,2 triệu đồng.

Nếu góp tháng, món vay từ 10 triệu trở xuống trả lãi 2 triệu đồng mỗi tháng (lãi suất 20%/tháng), tiền gốc có thể trả khi có khả năng. Còn nếu trên 10 triệu, người vay phải trả thêm 500.000 đồng tiền gốc mỗi tháng. Nếu nhận thấy nhu cầu vay gấp, người cho vay có thể áp dụng lãi suất lên đến 30-40%/tháng và phải trả ngay lãi suất tháng đầu tiên ngay khi nhận tiền.

Do đó, dịch vụ cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng (TCTD) mang lại lợi ích rất lớn cho những người có nhu cầu mua sắm nhưng không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng vì lãi suất mềm hơn và người vay không phải chịu nhiều áp lực như vay tín dụng đen. Năm 2016, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 50% và quý I/2017 tiếp tục khoảng 29,7% so với cuối năm 2016. Điều này cũng cho thấy người dân đã bắt đầu có thói quen tiếp cận vốn vay tiêu dùng qua hệ thống các TCTD và đây cũng là cơ hội để đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen trong xã hội.

Xếp hạng điểm tín dụng cá nhân

Một số báo cáo công bố gần đây nhận định, trong tương lai, đầu tư tài chính cho tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh và có sự dịch chuyển từ tín dụng doanh nghiệp sang tín dụng tiêu dùng. Thực tế, nhiều TCTD cũng đã xác định chiến lược phát triển trong thời gian tới mở rộng tín dụng tiêu dùng và thành lập các công ty tài chính để chuyên môn hóa tín dụng tiêu dùng.

Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, kích thích người dân vay tiêu dùng, nhà ở qua NH, công ty tài chính sẽ vừa hỗ trợ tăng trưởng GDP, vừa hỗ trợ các ngân hàng tăng nguồn thu. Tuy nhiên, tín dụng luôn đi liền với nợ xấu. Ở các nước phát triển, họ có nhiều cơ sở để thẩm định khách hàng, như ở Mỹ có hệ thống thẩm định khách hàng là điểm tín dụng cá nhân nên để ngân hàng đánh giá một khách hàng không quá khó khăn. Chính vì vậy, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng dù rất nhanh nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro. Trong khi tại Việt Nam thiếu thông tin thẩm định khách hàng nên cho vay tiêu dùng cũng nhiều rủi ro.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, mặc dù cho vay tiêu dùng đang phát triển mạnh và có nhiều lợi ích cho người dân, các TCTD và nền kinh tế nhưng độ rủi ro của lĩnh vực này cũng rất cao, nếu đi vào phân khúc của thị trường tài chính có độ rủi ro cao mà không kiểm soát chặt, về sau cũng sẽ trả giá đắt cho vấn đề nợ xấu. Ở các nước, xếp hạng điểm tín dụng cá nhân là cơ sở để xét duyệt cho vay, khi người dân có nhu cầu vay vốn, ngân hàng kiểm tra điểm xếp hạng tín dụng để xét duyệt cho vay rất nhanh chóng và tương đối an toàn.

Hiện Việt Nam chưa có xếp hạng điểm tín dụng cá nhân. Các ngân hàng và công ty tài chính cũng có những công cụ tài chính để kiểm soát được rủi ro, chẳng hạn như họ có thể điều tra về thu nhập của một khách hàng, ngay cả những khách hàng kinh doanh bằng tiền mặt hoặc có tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, về lâu dài nên xây dựng hệ thống xếp hạng điểm tín dụng cá nhân. Tại Mỹ có 3 công ty xếp hạng tín dụng cùng với các tiêu chí chấm điểm, ban đầu, mỗi người dân được chấm 800 điểm, sau đó, các công ty này xét duyệt trên các tiêu chí. Những trường hợp không đạt tiêu chí như có nợ xấu, công việc không ổn định, có vi phạm… sẽ trừ điểm và tất cả các ngân hàng cho vay ra đều gửi thông tin cho các công ty này. Điều này có thể áp dụng tại Việt Nam nhưng NHNN phải chủ trì, hoặc giao cho một công ty tư nhân thực hiện.