Tín dụng tiêu dùng: “Bít” khe hở rủi ro thế nào?

PV.

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu tín dụng tiêu dùng được đánh giá là “mảnh đất” màu mỡ song để hoạt động này thực sự diễn ra “xuôi chèo, mát mái” không phải là điều dễ dàng, bởi rủi ro đối với hoạt động cho vay tài chính, tiêu dùng là không hề nhỏ…

Sở dĩ tín dụng tiêu dùng được đánh giá là dịch vụ có nhiều rủi ro là bởi với khoản vay nhỏ lẻ, so với các loại hình tín dụng thông thường khác, vốn tín dụng tiêu dùng triển khai khá dễ dàng và trở thành khe hở cho các đối tượng bất chính lợi dụng, chiếm đoạt vốn.

Tiềm năng đi kèm với rủi ro

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng đã sớm ra đời và ngày càng được thúc đẩy bởi sự phát triển của nhu cầu xã hội. Với dân số trên 90 triệu người, đây thực sự là điều kiện vô cùng thuận lợi và là thị trường “khổng lồ” cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng phát triển.

Nếu chỉ 1/9 dân số, tức là khoảng 10 triệu người vay tiêu dùng với mức bình quân 50 triệu đồng/năm thì tổng số tiền cho vay đã đạt mức 500.000 tỷ đồng, một con số quả là rất ấn tượng.

Không bỏ lỡ cơ hội đó, gần đây, nhiều ngân hàng cũng đã bắt đầu lên kế hoạch thành lập các công ty tài chính riêng để “nhảy vào” lĩnh vực “ngon ăn” này thông qua việc thành lập mới hoặc mua và cơ cấu lại các công ty tài chính đã có mặt trên thị trường.

Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc cho Công ty tài chính cổ phần Sông Đà sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) theo đề án sáp nhập đã được đại hội đồng cổ đông thông qua; đồng thời, chấp thuận nguyên tắc việc MB thành lập công ty con là công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Theo lộ trình, sau khi nhận sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Sông Đà, MB sẽ trình Ngân hàng Nhà nước cho lập Công ty tài chính tiêu dùng MB với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Không chỉ có MB, các ngân hàng khác như: Vietcombank, VietinBank, ACB, OCB… cũng đã có kế hoạch thành lập công ty tài chính cho riêng mình.

Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực kinh doanh có nhiều rủi ro, nhu cầu và số lượng vay vốn lại không nhiều và nhỏ lẻ, cho nên nhiều ngân hàng, bên cạnh việc cho vay tiêu dùng, đã đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng với hạn mức từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Điều này, giống như một mũi tên trúng hai đích, ngân hàng vừa phát hành được thẻ tín dụng, vừa đáp ứng được mọi nhu cầu và thu nhập của người dân.

Trao đổi về “chiêu thức” này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, hiện nay, trên thị trường đang xảy ra tình trạng nhiều ngân hàng áp dụng chỉ tiêu phát hành thẻ cho các chi nhánh, sau đó chi nhánh lại áp cho nhân viên. Áp lực đó ắt sẽ dẫn đến tình trạng phát hành thẻ lỏng lẻo, dễ dàng, thậm chí là bừa bãi nhằm đạt chỉ tiêu. Đây là việc làm hoàn toàn đi ngược với hoạt động quản lý rủi ro của tổ chức tín dụng.

“Thực tế, đang có rất nhiều thẻ tín dụng được phát hành dưới dạng tín chấp, cho vay không có tài sản bảo đảm. Phần lớn thẻ tín dụng chỉ dựa trên thu nhập của khách hàng, công việc của khách hàng hay lịch sử mà khách hàng đã làm việc, giao dịch với ngân hàng. Ví dụ như trong trường hợp khách hàng bị mất việc hoặc thu nhập trong tương lai của họ bị ảnh hưởng thì sẽ dẫn đến hậu quả là khả năng hoàn trả ngân hàng sẽ mất hay bị giới hạn”, TS. Hiếu nói.

Cần có trung tâm thông tin tín dụng

Theo giới phân tích, để quản lý rủi ro, điều quan trọng là phải có trung tâm cung cấp thông tin tín dụng. Trên thế giới, hầu hết các nước đều có trung tâm này. Chẳng hạn như ở Mỹ, hiện có 3 trung tâm cung cấp cho tất cả ngân hàng của nước này, trong đó bao gồm thông tin cá nhân, thông tin về lịch sử vay của tất cả khách hàng trong hệ thống ngân hàng. Do đó, họ có thể kiểm soát rủi ro tín dụng một cách rất chặt chẽ và hiệu quả.

Hiện tại, ở Việt Nam đã có Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng. Các ngân hàng thường vào Trung tâm này để lấy dữ liệu khách hàng. Tuy nhiên, không phải tất cả khách hàng đều có dữ liệu trong hệ thống của CIC.

Vì vậy, bên cạnh việc các ngân hàng phải nâng cao khâu kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt khi cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng để giảm thiểu những rủi ro, Nhà nước cần sớm thành lập một trung tâm tín dụng đạt chuẩn quốc tế với những yêu cầu bắt buộc các ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng của mình về số tiền vay, lịch sử trả nợ, tài sản bảo đảm, nơi ở… Điều này, sẽ đảm bảo tránh được những rủi ro trong hoạt động tín dụng tiêu dùng đang ngày một nở rộ như hiện nay.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, các tổ chức tín dụng cũng cần đẩy mạnh việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ tín dụng cho nhân viên và cộng tác viên; phát triển nhiều sản phẩm – dịch vụ tiêu dùng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu người vay.

Ngoài ra, cần mở rộng kênh phân phối và phát triển các điểm hỗ trợ bán hàng, hoàn thiện quy trình tín dụng với tôn chỉ đơn giản và giải ngân nhanh chóng nhưng vẫn phải đề cao vai trò của quản trị rủi ro; kiểm soát rủi ro tín dụng và có cơ chế thu nợ phù hợp…