Tín dụng TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng tích cực
Tháng 11/2021, tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn so với tháng trước, tăng khoảng trên 2% so với tháng 10/2021 (tăng 0,75%).
Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tháng của năm 2021, sau khi nền kinh tế và hoạt động ngân hàng chịu tác động ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Diễn biến này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội thành phố sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Quan trọng hơn, tín dụng tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp (sau khi giảm 0,67% trong tháng 9/2021), phản ánh những tín hiệu tích cực trong phục hồi tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn Thành phố ngành Ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp theo cơ chế của Thông tư số 01, Thông tư số 03, Thông tư số 14 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng giá trị nợ: gồm cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất cho vay và cho vay mới với lãi suất thấp.
Chương trình tín dụng cho vay các lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực.
Vốn tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn để phục hồi tăng trưởng và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm. Riêng tín dụng ngắn hạn trong tháng 11/2021 trên địa bàn tăng trưởng trên 3% so với tháng trước.
Để duy trì và phát huy các yếu tố tích cực của hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi tăng trưởng, thời gian tới, nhất là trong năm 2022, cần tập trung vào một số nội dung như:
Tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư số 01, Thông tư số 03 và Thông tư số 14 của NHNN để doanh nghiệp duy trì, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây là cơ chế đã và đang trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy hiệu quả nhờ việc gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cũng như giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh để đảm bảo phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời tăng trưởng tín dụng an toàn và bền vững.
Tiếp tục cải cách hành chính để thực hiện hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp bằng các hành động cụ thể: trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp và đối thoại trực tiếp.
Trong đó, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, với hội, hiệp hội ngành nghề để tháo gỡ như cách làm với hiệp hội lương thực thực phẩm thành phố; với hội doanh nghiệp Thành phố để kết nối ngân hàng – doanh nghiệp lĩnh vực này và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sự chuyển biến tích cực và cách làm linh hoạt từ chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp không chỉ là kết nối tháo gỡ khó khăn về vốn, về tín dụng mà còn phát triển và mở rộng dịch vụ ngân hàng, nhất là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó đẩy mạnh việc thanh toán thẻ, phát triển mạng lưới POS tại các chợ đầu mối và kể cả chợ truyền thống.
Chính sách tín dụng tạo điều kiện hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng. Phục hồi tăng trưởng kinh tế tích cực sẽ góp phần quan trọng cho các chính sách phát huy tác dụng, trong đó doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng có dòng tiền trả nợ ngân hàng, sẽ trở lại chu kỳ tuần hoàn và chu chuyển vốn bình thường, phục hồi và tăng trưởng vững chắc cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.