Tín dụng xanh chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế
Tính đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt khoảng 680 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường. Thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong chiến lược.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng nhằm bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN năm 2015 và Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.
Ngoài ra, các yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được lồng ghép vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy, hiện có 47 ngân hàng phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Tuy vậy, dư nợ tín dụng xanh mới chiếm 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Dư nợ tập trung cho các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch - chiếm khoảng 45% tổng dư nợ.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia, Kinh tế trưởng BIDV cho biết, đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong khi đó, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh Việt Nam còn nhiều bất cập như: Cần nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng rất chủ động nhưng số khác lại dậm chân. Có ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro với mảng này…
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, tín dụng xanh là những dự án dài hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm với mức lãi suất thấp, trong khi vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn chiếm khoảng 80% tổng huy động của hệ thống. Do vậy, các ngân hàng không có dư dả vốn trung và dài hạn để cho vay các dự án xanh.
Bên cạnh đó, theo đại diện các ngân hàng thương mại, yếu tố mấu chốt để ngân hàng “ngại” cho vay xanh là danh mục xanh quốc gia chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh trong ngành Ngân hàng với các bộ, ngành khác. Dù NHNN đã ban hành hướng dẫn thống kê các lĩnh vực xanh là các dự án, phương án thuộc 12 lĩnh vực, nhưng đây chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia. Vì vậy, các ngân hàng vẫn đang khá lúng túng trong triển khai thực hiện các hoạt động cấp tín dụng xanh.