Tín hiệu từ động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ lãi suất điều hành lần 3 trong năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế. Thường, động thái hạ lãi suất thể hiện quan điểm nới lỏng tiền tệ của nhà điều hành để kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, ở đợt hạ lãi suất này vẫn còn những ý kiến trái chiều.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lần thứ ba trong năm hạ lãi suất điều hành vào ngày 1/10 vừa qua để tạo thêm nguồn vốn giá rẻ cho các NHTM, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay trong nền kinh tế. Cùng với việc, đề xuất sửa đổi Thông tư 01 theo dướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ, miến giảm lãi vay cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cho thấy NHNN đang dùng nhiều biện pháp cùng lúc để đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, xung quanh động thái giảm lãi suất lần này của NHNN vẫn còn những ý kiến trái chiều từ phía các nhà phân tích, chuyên gia kinh tế.
Trước tiên, cần khẳng định hạ lãi suất là có lợi cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn, giảm chi phí kinh doanh. Dù vậy, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhiều ý kiến cùng chung nhận định rằng, giảm lãi suất có thể không mang tới quá nhiều ý nghĩa.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế. Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục, các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO hay tái chiết khẩu từ NHNN.
"Điều này đồng nghĩa, việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng. Các lãi suất mới giữa NHNN và NHTM không có nhiều tác động", BVSC cho biết.
Không chỉ cho rằng hiệu quả của đợt giảm lãi suất lần này với tăng trưởng không nhiều, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lo ngại rằng, cắt giảm lãi suất tiềm ẩn rủi ro như khiến lạm phát tăng. Bên cạnh đó, lãi suất giảm xuống mức thấp có thể khiến hình thành một dòng tiền chảy khỏi ngân hàng, rót vào các lĩnh vực mang tính đầu cơ như vàng, chứng khoán, bất động sản… từ đó hình thành bong bóng tài sản.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá lãi suất tại Việt Nam cần phải giữ ở mức trung bình cao so với các nước trên thế giới với 4 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, lạm phát của Việt Nam tương đối cao, khoảng 3,5 - 4%. Thứ hai là rủi ro nền kinh tế, doanh nghiệp của Việt Nam rất lớn. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là BB, tương đương với mức đầu cơ, vì vậy lãi suất đi vay quốc tế bằng USD luôn từ 5%/năm đến 7%/năm. Nếu một tổ chức đầu tư vào Việt Nam bằng VND, họ yêu cầu lợi suất sinh lời khoảng 15%/năm.
Thứ ba là chi phí giao dịch của nền kinh tế của chúng ta rất lớn cả chính thức và không chính thức. Lý do cuối cùng là lãi suất đầu vào vẫn phải duy trì ở mức tương đối hấp dẫn để thu hút người dân gửi tiết kiệm.
"Lãi suất tại Việt Nam phải ở mức trung bình cao so với quốc tế và khu vực", ông Lực nói.
Thực tế, ông Lực cho biết, hỗ trợ lãi suất năm 2009 đã không mang tới nhiều thành công như kỳ vọng. Việc cho vay đại trà đối với nền kinh tế, hệ thống ngân hàng vẫn phải xử lý những hệ lụy từ thời điểm đó. Lần này, giả sử có hỗ trợ thì cần có chọn lọc, không đại trà, và tối đa một năm, thông qua những định chế tài chính đặc biệt để tinh gon.
Theo thống kê của VEPR, ông Phạm Thế Anh nhận định, lãi suất ngắn hạn thời gian tới có thể giảm, do tâm lý chi tiêu của người dẫn đã thay đổi hướng tới tiết kiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, chỉ là ở kỳ ngắn hạn, còn lãi suất kỳ trung, dài hạn vẫn chịu áp lực về cuối năm.