Tín hiệu vui từ xuất nhập khẩu đầu năm
Theo Tổng cục Hải quan, mới 15 ngày đầu năm 2018, hoạt động giao thương đã đạt kết quả khả quan khi kim ngạch xuất khẩu đạt 9,257 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ và nhập khẩu đạt 9,56 tỷ USD, tăng gần 29,5% so với cùng kỳ. Chỉ trong nửa đầu tháng một, cả nước đã có bốn nhóm hàng có kim ngạch hơn một tỷ USD.
Kim ngạch tăng mạnh, bốn nhóm hàng tỷ USD
Chỉ trong nửa tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu (XNK) cả nước đã vượt xa so với cùng kỳ và mục tiêu mà Quốc hội đề ra (kim ngạch XK tăng trưởng từ 7% - 8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 10%). Đáng chú ý, số lượng mặt hàng đạt kim ngạch tỷ USD cũng tăng cao trong nửa tháng qua.
Cụ thể, ở lĩnh vực xuất khẩu đã có tới ba nhóm hàng đạt kim ngạch từ hơn một tỷ USD, tăng thêm hai nhóm so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, điện thoại và linh kiện vẫn giữ vững phong độ đạt 2,11 tỷ USD, dẫn đầu trong nhóm hàng XK chủ lực. Đây cũng là mặt hàng có kim ngạch XK cao nhất nước ta năm 2017 với kim ngạch đạt hơn 45 tỷ USD, tăng tới 31,4% so với năm trước. Hai nhóm hàng mới góp mặt vào “câu lạc bộ tỷ USD” ngay trong nửa đầu tháng này là dệt may đạt gần 1,108 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,071 tỷ USD.
Một trong những mặt hàng XK chủ lực là dệt may cũng nhanh chóng “cán đích” tỷ USD ngay từ đầu năm. Đặc biệt trong bối cảnh năm 2018, tính cạnh tranh trên thị trường rất cao, trong khi tổng cầu thế giới về dệt may được dự báo chỉ tăng 1-2%, thậm chí là không thay đổi so với năm 2017.
Tuy nhiên, con số xuất khẩu dệt may đạt 1,108 tỷ USD trong vòng 15 ngày đang là bước chạy đà hoàn hảo cho mục tiêu kim ngạch XK 34 tỷ USD của toàn ngành trong năm 2018. Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều năm nay, DN dệt may Việt Nam đã đi vào hướng làm những mặt hàng khó đòi hỏi tay nghề cao, để những DN các quốc gia khác với tay nghề, kỹ thuật kém sẽ không làm được. Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất veston nam, nữ lớn nhất thế giới. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi mô hình từ chỗ hoàn toàn làm gia công sang làm FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (sản xuất dệt may từ khâu thiết kế). Đến nay, tỷ lệ gia công thuần túy chỉ còn 30-35%; FOB đạt 55-60%; ODM đạt gần 10%. Đây là nguyên nhân giúp giá trị XK ngành hàng này tăng cao ngay trong những tháng đầu năm.
Ở chiều nhập khẩu, có hai nhóm hàng NK tỷ USD ngay nửa đầu tháng 1 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,866 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,382 tỷ USD. Như vậy, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đều góp mặt trong nhóm hàng tỷ USD ở cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Với kim ngạch đạt 7,537 tỷ USD, các nhóm hàng tỷ USD chiếm đến 40% tổng trị giá kim ngạch XNK cả nước trong nửa tháng đầu năm. Đây là những tín hiệu tích cực “mở hàng” cho hoạt động XNK cả năm 2018.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính
Mục tiêu tăng trưởng XNK năm 2018 được đánh giá là hết sức khó khăn do XNK trong năm 2017 đã đạt kỷ lục với tổng kim ngạch XNK đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21%. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng XNK như con số Quốc hội giao, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu của Bộ Công thương là tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC). “Quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh, rà soát các thủ tục kiểm tra chuyên ngành để đơn giản hóa tối đa TTHC là việc đã được triển khai mạnh mẽ trong năm 2017 và sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2018. Đó là biện pháp không chỉ mang lại mức kim ngạch khả quan, mà còn đóng góp lâu dài cho hoạt động XNK bền vững hơn”, ông Trần Thanh Hải khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đàm phán và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết để có thể khai thác tối đa lợi ích về cắt giảm thuế quan ở những thị trường này. Đồng thời, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật sau khi Luật Quản lý Ngoại thương đã có hiệu lực theo đúng tinh thần cởi mở và thông thoáng.
Hoạt động xúc tiến thương mại cũng là nhiệm vụ quan trọng. Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ có nhiều cải cách về phương thức xúc tiến thương mại theo hướng bên cạnh những phương thức truyền thống như đưa các đoàn đi hội chợ, kết nối giao thương nước ngoài… thì sẽ tích cực mời các đoàn nước ngoài vào Việt Nam để tìm hiểu và quyết định mua hàng. Hoặc đẩy mạnh việc dùng các công cụ truyền thông ở nước ngoài để hỗ trợ quảng bá sản phẩm Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, trong bối cảnh công nghệ đã và đang phát triển với tốc độ vũ bão như hiện nay thì việc ứng dụng công nghệ trong xuất nhập khẩu cũng là yêu cầu sống còn với DN. Bộ Công thương đã và đang đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN Việt Nam tham gia vào hoạt động thương mại điện tử để ứng dụng tốt hơn công nghệ vào hoạt động XNK.
Động viên các DN tham gia tích cực vào hoạt động XNK, ngay từ đầu năm 2018, Bộ Công thương đã triển khai chương trình bình chọn DN XK uy tín. Đây là một hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác nước ngoài tìm hiểu và xúc tiến giao thương với DN Việt Nam.
Các DN đủ điều kiện xét chọn uy tín năm 2017 phải đáp ứng đủ các tiêu chí cơ bản: không bị cưỡng chế ngừng làm thủ tục XNK hàng hóa, không nợ đọng thuế, không vi phạm pháp luật về môi trường... Ngoài ra, tiêu chí xét chọn về kim ngạch XK đối với từng nhóm hàng đạt mức tối thiểu theo quy định tại Công văn số 614/BCT-XNK ngày 22 tháng 1 năm 2017 của Bộ Công thương về xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2017. Các DN XK uy tín được xét chọn sẽ được quảng bá miễn phí hình ảnh và sản phẩm; được sử dụng logo doanh nghiệp XK uy tín và ưu tiên tham gia các hoạt động thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, khảo sát thị trường, hội thảo, hội chợ, diễn đàn doanh nghiệp do Bộ Công thương tổ chức; tham gia miễn phí các khóa đào tạo về thương mại điện tử cũng như giới thiệu trực tiếp đến các đối tác nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu...