Tình hình các kênh đầu tư trong quý I/2024
Ba tháng đầu năm, trong khi lãi suất tiết kiệm xuống đáy, dòng tiền cố xu hướng chảy sang các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản, đặc biệt là vàng.
Thị trường cổ phiếu tăng tốt nhất khu vực châu Á
VN-Index tăng 13,6% trong quý I/2024, cao nhất kể từ tháng 9/2022, là một trong những chỉ số tăng tốt nhất khu vực châu Á.
Hầu hết các ngành đều tăng điểm tốt trong 3 tháng đầu năm 2024. Trong đó, cổ phiếu nhóm ngành Ngân hàng dẫn dắt thị trường liên tiếp 5 tháng. Ngành Dịch vụ tài chính cũng giữ vững đà tăng giá, nhờ triển vọng tích cực trong trung và dài hạn trong quyết tâm nâng hạng thị trường mời nổi của cơ quan quản lý.
Trong tháng 3/2024, trước thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành tín phiếu trở lại nhằm kiềm chế tỷ giá, tuy nhiên ảnh hưởng tới tâm lý thị trường diễn ra tương đối ngắn. VN-Index điều chỉnh nhưng vẫn tăng 2,5% trong tháng.
Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp và đạt mức cao nhất trong 2 năm. Đà bán ròng mạnh của khối ngọại được thị trường hấp thụ tốt. Việc lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn có xu hướng giảm đã định hướng dòng tiền tìm tới các kênh đầu tư hấp dẫn hơn, trong đó có thị trường chứng khoán.
Phát hành 22 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp
Trong quý I/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ước tính có tổng cộng 23 đợt phát hành sơ cấp với giá trị đạt khoảng 22 nghìn tỷ đồng (giảm 25% so với cùng kỳ). Trong đó, có 6,9 nghìn tỷ đồng phát hành ra công chúng và 15,1 nghìn tỷ đồng phát hành riêng lẻ.
Lãi suất phát hành sơ cấp TPDN (không tính Trái phiếu ngân hàng) dao động trong khoảng 6% - 12,5%/năm. Kỳ hạn bình quân TPDN chủ yếu dưới 5 năm, cá biệt số ít trái phiếu ngành Xây dựng và Vật liệu và Ngân hàng có kỳ hạn dài hơn 9 năm.
Bất động sản là lĩnh vực phát hành TPDN với giá trị lớn nhất, chiếm tới 70% tổng giá trị phát hành, tương đương khoảng 15,4 nghìn tỷ đồng
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục xu hướng giảm
NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp nhằm mục đích hạ mặt bằng cho vay, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm và đang ở mức thấp lịch sử, thấp hơn giai đoạn COVID-19 từ năm 2021 đến tháng 6/2022.
Hầu hết lãi suất các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng đã giảm xuống dưới mức 5%/năm tại thời điểm cuối quý I/2024 ((không bao gồm các khoản tiền gửi có giá trị lớn, theo quy định của từng ngân hàng).
Việc lạm phát được kiểm soát tốt kỳ vọng khiến NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế.
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục giảm mạnh thêm và dự báo dần tăng trở lại và tăng mạnh vào cuối quý II/2024 khi tín dụng cải thiện rõ nét.
Thị trường bất động sản dần “rã băng”
Sau năm 2023 tương đối trầm lắng, thị trường bất động sản quý I/2024 đã có những tín hiệu tích cực trở lại. Nguồn cung Nhà ở sơ cấp đạt khoảng 20.500 sản phẩm, trong đó, có 4.300 sản phẩm mới, còn lại là hàng tồn của những dự án mở bán trước đó.
Tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung sơ cấp đạt gần 31%, tương đương với khoảng 6.200 giao dịch, tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, và sự khan hiếm nguồn cung từ các dự án mới, đã kích thích dòng tiền quan tâm đến các kênh đầu tư khác, trong đó có thị trường bất động sản
Giá vàng tăng 7%
Giá vàng trong nước tiếp tục tăng trong quý I/2024, tăng gần 7% so với thời điểm cuối năm 2023. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tiền đồng xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua và thị trường bất động sản trầm lắng, sự giới hạn trong nguồn cung vàng miếng đã thúc đẩy giá vàng trong nước duy trì đà tăng.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong những tháng đầu năm cũng ảnh hưởng tới xu hướng giá vàng trong nước. Căng thẳng địa chính trị cùng kỳ vọng 3 lần hạ lãi suất của Fed trong năm 2024 đã hỗ trợ giá tăng và duy trì ở mức đỉnh lịch sử.
Chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới tiếp tục đặt ra những yêu cầu về cơ chế để điều hành thị trường vàng một cách minh bạch và hiệu quả hơn. Trong đó, có nhiều đề xuất sửa đổi lại Thông tư số 24/2012/TT-NHNN, gỡ bỏ cơ chế quản lý độc quyền, “một mình một chợ” trên thị trường vàng.
Tỷ giá chịu nhiều áp lực
Kết thúc quý I/2024, tỷ giá liên ngân hàng đã tăng 2,9% kể từ đầu năm, giao dịch ở mức 25.003 VND/USD. Tỷ giá trên thị trường tự do đã vượt qua mức đỉnh của năm ngoái và giao dịch tại 25.400 VND/USD trong khi tỷ giá trung tâm duy trì ổn định quanh ngưỡng 24.038 VND/USD. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 2.6% và tỷ giá trung tâm tăng 0,8% kể từ đầu năm.
Chênh lệch lãi suất âm giữa tiền đồng và USD là nguyên nhân chính gây áp lực lên tỷ giá do NHNN tiếp tục phải duy trì chính sách lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi Fed lại tập trung kiềm chế lạm phát bằng môi trường lãi suất cao kể từ năm 2023.
Việc phát hành tín phiếu hút tiền đồng kể từ ngày 11/3 được kỳ vọng sẽ phần nào hạ nhiệt tỷ giá trong ngắn hạn trong khi chờ đợi những tín hiệu hạ lãi suất từ Fed sẽ giúp giảm áp lực trong trung hạn.