Chứng khoán đang chứng tỏ là kênh đầu tư hấp dẫn
Chứng khoán hiện là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong bối cảnh vĩ mô có nhiều thông tin tích cực, niềm tin của nhà đầu tư đang dần trở lại.
Sự “nhập cuộc” của dòng tiền lớn
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Tư (21/2), chỉ số VN-Index chốt mức 1.230,04 điểm, gần như đi ngang khi giảm nhẹ 0,02 điểm so với phiên liền trước.
Đáng chú ý, chỉ số sàn HOSE bật tăng 2,61% chỉ sau 5 phiên đầu Xuân. Với xu hướng tăng điểm chủ đạo nhiều tháng qua, chỉ số chứng khoán sàn HOSE hiện giao dịch ở vùng cao nhất trong hơn 5 tháng qua, kể từ giữa tháng 9/2023.
Yếu tố giúp cho chứng khoán diễn biến tích cực đến từ dòng tiền chảy vào chứng khoán duy trì mức tốt. Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, khác với thông lệ, giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán không hề bị giảm sút, thanh khoản vẫn duy trì trên dưới 15.000 tỷ đồng/phiên. Giá trị sang tay bình quân được đẩy lên đạt hơn 21.000 tỷ đồng/phiên trong 5 phiên đầu Xuân Giáp Thìn, trong đó phiên ngày 19/2 cán mốc 1 tỷ USD.
Đánh giá về triển vọng thị trường trong năm mới, các chuyên gia cùng đồng thuận thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Cụ thể, ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho rằng, nhà đầu tư trong nước sẽ rót tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn trong quý I/2023 và cả năm nay vì lãi suất tiền gửi ngân hàng tại Việt Nam đang gần mức thấp nhất.
Đồng thời, hồi phục kinh tế trên diện rộng sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp, đặc biệt là ngành Ngân hàng và các công ty tiêu dùng; định giá thị trường đang ở mức rất hấp dẫn (VN-Index đang giao dịch ở mức dưới gần 2 lần độ lệch chuẩn so với P/E trung bình 5 năm và thấp hơn định giá của các thị trường mới nổi cùng khu vực 25%).
Thêm vào đó, chuyên gia này cho rằng, sự phục hồi của ngành Bất động sản tại Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian hơn vì các biện pháp để giải quyết các vấn đề của thị trường vẫn đang được triển khai. Do đó, thị trường chứng khoán hiện là kênh hấp dẫn nhất để người dân có thể rót tiền trong giai đoạn tới đây.
Tuy nhiên, ông Michael Kokalari nhìn nhận, không phải cổ phiếu nào cũng sẽ gặt hái thành công và một vài công ty cũng không có triển vọng tích cực. “Chiến lược của VinaCapital là tập trung tìm những công ty có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% trong năm nay và lưu ý rằng rất nhiều công ty thuộc danh mục đầu tư của VinaCapital hiện đang giao dịch ở mức định giá rất thấp”, ông Kokalari chia sẻ.
Ông Trịnh Hoài Giang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) nêu quan điểm tích cực khi đánh giá triển vọng thị trường năm mới dựa trên cơ sở kinh tế toàn cầu ổn định hơn dù vẫn còn đối diện nhiều bất ổn địa chính trị có thể ảnh hưởng nền kinh tế. Theo chuyên gia này, chính sách tiền tệ và tài khóa đều đang theo hướng hỗ trợ cho nền kinh tế.
“Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, thành xu hướng không thế đảo ngược. Chúng tôi rất hy vọng vào diễn biến này, dù để dịch chuyển sản xuất thì cần thời gian, nhưng đây là điểm gây hứng khởi cho nền kinh tế”, chuyên gia của HSC nhận định.
Lòng tin của nhà đầu tư đang quay trở lại
Đối với thị trường nợ, gồm nợ trái phiếu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, ông Trịnh Hoài Giang cho rằng, thị trường này đã được giải quyết linh động nên cũng góp phần giảm tác động tiêu cực lên thị trường.
“Lòng tin của nhà đầu tư đã quay trở lại và việc chúng ta cần làm là phải tránh được các sai lầm cũ rồi gây nên hệ lụy đã thấy các năm qua”, ông Giang chia sẻ.
Đặc biệt, chuyên gia HSC bày tỏ phấn khởi sau phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại sự kiện đánh cồng khai xuân trên HOSE phiên đầu tuần.
Cụ thể, Thứ trưởng đã nêu lên 5 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán bền vững gồm: Rà soát Luật Chứng khoán, các luật liên quan trực tiếp thị trường chứng khoán như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; cải thiện cơ sở hạ tầng về giao dịch; Làm rõ về chất lượng hàng hóa, thông tin thị trường; Quản trị phải giám sát tính tuân thủ của các doanh nghiệp, thành viên chặt chẽ, tránh những sự vụ không hay xảy ra trên thị trường, làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư; Nâng hạng thị trường; tuyên truyền thông tin tới công chúng đầu tư minh bạch, hiệu quả.
Đánh giá về ngành hưởng lợi từ lãi suất thấp, ông Giang nhắc tới cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Bên cạnh đó, đầu tư công đẩy mạnh triển khai sẽ kéo theo các ngành sản xuất như điện, vật liệu xây dựng (sắt thép, bê tông…), cơ sở hạ tầng và viễn thông, đặc biệt là triển vọng tốt với những công ty hàng đầu như HPG, FPT…
Nhận định cụ thể về kịch bản cho VN-Index năm nay, ông Kim Thiên Quang - Tổng giám đốc Maybank Investment Bank (MSVN) cho biết, các chuyên gia của MSVN xây dựng 2 kịch bản cho VN-Index dựa trên khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Đầu tiên là kịch bản cơ bản, nếu việc xem xét nâng hạng không diễn ra, dòng tiền khối ngoại vẫn yếu và thanh khoản khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên, khi đó VN-Index có thể đóng cửa năm 2024 ở mức 1.250 điểm, tăng khoảng 11% so với cuối 2023.
Với kịch bản tích cực, nếu tiến độ nâng hạng diễn ra như dự báo vào tháng 9/2024 (hoặc tháng 3/2025), dòng tiền khối ngoại sẽ mạnh hơn, thanh khoản có thể đạt 20.000-22.000 tỷ đồng/phiên thì VN-Index có thể đạt mức 1.420 điểm, tăng 26%.
“Trong cả 2 trường hợp, trái ngược với năm 2023, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ có nhiều biến động trong nửa đầu năm. Sau đó, thị trường sẽ ổn định và tăng tốc dần vào những tháng còn lại của năm khi bức tranh về hồi phục kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp rõ ràng hơn, cũng như những nỗi lo về thị trường bất động sản và nợ xấu ngân hàng biến mất”, chuyên gia MSVN nhận định.