Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024
Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nướcTổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024[1], duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%. Về sử dụng GDP quý IV/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,98%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,35%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13,49%.
GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024[2]. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực 3,27% mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Trong đó, sản lượng nhiều nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá. Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2024 tăng 2,94% so với năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,03% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,03%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp phục hồi tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 8,32% so với năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022 trong giai đoạn 2019-2024[3], đóng góp 2,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%, thấp hơn mức tăng các năm 2011, 2016, 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024[4], đóng góp 2,49 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,43%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,05%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,24%, làm giảm 0,21 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,87%, đóng góp 0,57 điểm phần trăm.
Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38% cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023[5]. Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,96% so với năm trước, đóng góp 0,80 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 10,82%, đóng góp 0,68 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,11%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,76%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,86%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,64%; khu vực dịch vụ chiếm 42,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,14% (Cơ cấu tương ứng của năm 2024 là 11,86%; 37,58%; 42,30%; 8,26%).
Về sử dụng GDP năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,57% so với năm 2023; tích lũy tài sản tăng 7,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,10%.
Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2024. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023).
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Nông nghiệp, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng tích cực, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Diện tích lúa năm 2024 ước đạt 7,13 triệu ha, tăng 12,0 nghìn ha so với năm trước; năng suất lúa ước đạt 60,9 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,46 triệu tấn, giảm 33,6 nghìn tấn. Sản lượng lương thực có hạt năm 2024 đạt 47,87 triệu tấn, giảm 65,0 nghìn tấn so với năm 2024, trong đó sản lượng ngô đạt 4,4 triệu tấn, giảm 31,4 nghìn tấn.
Lúa đông xuân: Diện tích gieo trồng lúa đông xuân năm 2024 đạt 2,95 triệu ha, tăng 1,5 nghìn ha so với năm 2023; năng suất lúa đạt 68,8 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha, sản lượng đạt 20,33 triệu tấn, tăng 145,0 nghìn tấn.
Lúa hè thu: Diện tích gieo trồng lúa hè thu năm 2024 đạt 1,91 triệu ha, giảm 3,6 nghìn ha so với năm 2023; năng suất đạt 58,4 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha; sản lượng đạt 11,16 triệu tấn, tăng 139,1 nghìn tấn.
Lúa thu đông: Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm nay đạt 717,9 nghìn ha, tăng 10,2 nghìn ha so với vụ thu đông 2023; năng suất đạt 57,9 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha; sản lượng đạt 4,16 triệu tấn, tăng 118,5 nghìn tấn.
Lúa mùa: Vụ mùa năm nay cả nước gieo cấy được 1,55 triệu ha lúa mùa, tăng 3,9 nghìn ha so với vụ mùa năm 2023; năng suất lúa ước đạt 50,4 tạ/ha, giảm 2,9 tạ/ha; sản lượng đạt 7,81 triệu tấn, giảm 436,4 nghìn tấn.
Cây hằng năm: Diện tích gieo trồng một số cây hoa màu như ngô, khoai lang, lạc, đậu tương giảm so với năm trước do hiệu quả kinh tế không cao, nông dân thu hẹp sản xuất để tập trung vào trồng rau hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả hoặc cây làm thức ăn chăn nuôi, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
Cây lâu năm: Năm 2024, diện tích trồng cây lâu năm đạt 3.815,5 nghìn ha, tăng 1,2% so với năm trước, trong đó: Nhóm cây công nghiệp đạt 2.172,6 nghìn ha, tăng 0,1%; nhóm cây ăn quả đạt 1.302,8 nghìn ha, tăng 2,6%.
Chăn nuôi Chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Lâm nghiệp, trong quý IV/2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 103,3 nghìn ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 172,8 ha, tăng 24,7%. Tính chung năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 301,3 nghìn ha, tăng 1,7% so với năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.627,3 ha, giảm 5,5%.
Thủy sản, sản lượng thủy sản quý IV/2024 ước đạt 2.524,5 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 9.547,0 nghìn tấn, tăng 2,5% so với năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.721,6 nghìn tấn, tăng 4,0%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.825,4 nghìn tấn, tăng 0,3%.
Sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 8,4% so với năm trước (năm 2023 tăng 1,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (năm 2023 tăng 1,5%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,5%, làm giảm 1,0 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2024 giảm 5,1% so với tháng trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3% so với năm 2023 (năm trước tăng 1,6%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2024 tăng 10,0% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 10,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2024 là 77,1% (năm 2023 là 88,0%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2024 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước.
Hoạt động của doanh nghiệp
Tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong tháng 12, cả nước có gần 10,0 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,4% so với tháng trước và giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước; hơn 8,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 14,8% và tăng 38,3%; 4.187 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 1,3% và tăng 10,1%; 19.886 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 163,4% và tăng 128,9%; 2.345 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 22,8% và tăng 21,2%.
Tính chung trong năm 2024, cả nước có hơn 233,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với năm trước; bình quân một tháng có gần 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 197,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,7%; bình quân một tháng có gần 16,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp[7] quý IV/2024 so với quý III/2024, có 77,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD quý IV/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2024 (28,6% tốt hơn và 48,7% giữ ổn định); 22,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn[8]. So với quý III/2024 tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước tăng 5,1%; giữ ổn định tăng 0,4% và khó khăn hơn giảm 5,5%.
Khoa học công nghệ
Về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), theo Báo cáo GII 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong đó, đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53; đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36.
Xếp hạng chính phủ điện tử toàn cầu, theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên hợp quốc, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022, đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức Rất cao và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003.
Về dịch vụ công trực tuyến: Trên cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến ngày 30/12/2024, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.427 thủ tục; 2.645 dịch vụ công cho công dân, 2.409 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên cổng Dịch vụ công quốc gia khoảng 395,7 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng Dịch vụ công quốc gia khoảng 61 triệu hồ sơ.
Hoạt động dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Hai năm 2024 ước đạt 570,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.686,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với quý trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%).
Vận tải hành khách quý IV/2024 ước đạt 1.388,9 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 71,4 tỷ lượt khách.km, tăng 10,7%. Tính chung năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 5.067,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,3% so với năm trước và luân chuyển đạt 275,4 tỷ lượt khách.km, tăng 11,6%. Vận tải hàng hóa quý IV/2024 ước đạt 740,0 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 149,6 tỷ tấn.km, tăng 13,4%. Tính chung năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 2.670,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,0% so với năm trước và luân chuyển 545,1 tỷ tấn.km, tăng 11,8%.
Doanh thu hoạt động viễn thông quý IV/2024 ước đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, doanh thu hoạt động viễn thông ước đạt 355,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,0% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng gần 4,0%).
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Mười Hai đạt đạt 1,75 triệu lượt người, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 363,1 nghìn lượt người, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm trước và bằng 97,6% năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 5,3 triệu lượt người, tăng 5,5 so với năm trước.
Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán
Tính đến thời điểm 25/12/2024, tổng phương tiện thanh toán tăng tăng 9,42% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 10,34%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,06% (cùng thời điểm năm trước tăng 11,19%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,82% (cùng thời điểm năm trước tăng 11,48%).
Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý IV/2024 ước tính tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt đạt 227,5 nghìn tỷ đồng, giảm 0,25% so với năm trước.
Tính đến ngày 31/12/2024, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 21.008 tỷ đồng/phiên, tăng 19,5% so với bình quân năm 2023; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.802 tỷ đồng/phiên, tăng 81,1%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 211.346 hợp đồng/phiên, giảm 10,2%.
Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý IV/2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.274,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.692,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2024 có 164 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 603,7 triệu USD, gấp hơn hai lần so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh 61,1 triệu USD, giảm 55,8%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 664,8 triệu USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 12/2024 ước đạt 206,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 2.037,5 nghìn tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán năm và tăng 16,2% so với năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 12/2024 ước đạt ước đạt 283,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2024 ước đạt 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán năm và tăng 5,7% so với năm trước.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2024 đạt 35,53 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 105,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,5% so với quý III năm 2024. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 356,74 tỷ USD, chiếm 88,0%.
Nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2024 đạt 35,01 tỷ USD, tăng 7,2 so với tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2024, kim ngạch nhập khẩu đạt 101,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,2% so với quý III năm 2024. Tính chung cả năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 356,43 tỷ USD, chiếm 93,6%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 119,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 144,3 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 ước tính xuất siêu 0,52 tỷ USD. Tính chung cả năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD (năm trước xuất siêu 28,4 tỷ USD).
Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Trong quý IV/2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 6,56 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,5% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 9,57 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 25,9% so với quý trước.
Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 23,85 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 12,19 tỷ USD (chiếm 51,1% tổng kim ngạch), tăng 33,1% so với năm trước; dịch vụ vận tải đạt 6,52 tỷ USD (chiếm 27,3%), tăng 5,2%.
Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ cả năm 2024 ước đạt 36,19 tỷ USD (trong đó phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 12,07 tỷ USD), tăng 24,4% so với năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 14,6 tỷ USD (chiếm 40,3% tổng kim ngạch), tăng 16,0%; dịch vụ du lịch đạt 12,57 tỷ USD (chiếm 34,7%), tăng 60,6%.
Nhập siêu dịch vụ năm 2024 là 12,34 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng Mười Hai tăng 2,94%. CPI bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với quý IV/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Chỉ số giá vàng tháng 12/2024 giảm 1,38% so với tháng trước; tăng 31,07% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm 2024 tăng 28,64%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2024 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2024 tăng 4,91%.
Chỉ số giá sản xuất
Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý IV và năm 2024 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, riêng chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm theo thị trường thế giới. Tính chung năm 2024, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,56% so với năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 0,59%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 5,86%; chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 2,26%; chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 1,15%; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 1,94%.
Một số tình hình xã hội
Dân số, lao động và việc làm, Dân số trung bình năm 2024 ước tính 101,3 triệu người, tăng 1.034,5 nghìn người, tương đương tăng 1,03% so với năm 2023. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm mạnh và cơ bản duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình tăng do những thành tựu phát triển của y học và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện.
Tình hình lao động, việc làm quý IV/2024 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý IV/2024 ước tính là 53,2 triệu người, tăng 390,1 nghìn người so với quý trước và tăng 625,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là gần 53,0 triệu người, tăng 575,4 nghìn người so với năm trước.
Lao động có việc làm quý IV/2024 ước tính là 52,1 triệu người, tăng 414,9 nghìn người so với quý trước và tăng 639,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, lao động có việc làm là 51,9 triệu người, tăng 585,1 nghìn người (tương ứng tăng 1,1%) so với năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý IV/2024 là 1,65%, giảm 0,22 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,32 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,84%, giảm 0,18 điểm phần trăm so với năm trước; trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,28%, giảm 0,32 điểm phần trăm; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,20%, giảm 0,07 điểm phần trăm.
Thu nhập bình quân của lao động quý IV/2024 là 8,2 triệu đồng/tháng, tăng 550 nghìn đồng so với quý III/2024 và tăng 890 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung năm 2024, thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6%, tương ứng tăng 610 nghìn đồng so với năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2024 là 2,22%, giảm 0,01 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2024 là 2,24%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,53%; khu vực nông thôn là 2,05%.
Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội, thu nhập và đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Theo kết quả sơ bộ Khảo sát mức sống dân cư năm 2024, thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2024 đạt khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8% so với năm 2023.
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 28/12/2024), tổng hỗ trợ cho người có công và thân nhân của người có công với cách mạng là gần 33,9 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là 27,3 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách xã hội không thuộc Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là hơn 4,9 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ bất thường phát sinh tại địa phương là hơn 3,8 nghìn tỷ đồng. Có hơn 26,7 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
Tính đến ngày 30/12/2024, để kịp thời hỗ trợ gạo cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, Chính phủ đã có các quyết định cấp 619,9 tấn gạo hỗ trợ cho người dân. Trong năm 2024, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 22,4 nghìn tấn gạo, trong đó: Chính phủ hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 693,4 nghìn nhân khẩu; 5,9 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho 396,3 nghìn nhân khẩu; gần 1,1 nghìn tấn gạo cứu trợ cho khoảng 70,2 nghìn nhân khẩu do ảnh hưởng của thiên tai.
Hoạt động văn hóa, thể thao, Năm 2024, các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước đã tạo được hiệu ứng, lan tỏa, kết nối tình đoàn kết, giữa nhân dân cả nước và truyền bá hình ảnh về những phẩm chất tốt đẹp của hệ giá trị văn hóa, gia đình về con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng trong năm qua tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và thể thao thành tích cao đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tai nạn giao thông, trong năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 23.484 vụ tai nạn giao thông, làm 10.944 người chết và 17.342 người bị thương. Bình quân 1 ngày trong năm 2024, trên địa bàn cả nước xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông, làm 30 người chết và 47 người bị thương.
Thiệt hại do thiên tai, trong năm 2024, thiên tai làm 570 người chết và mất tích; 2.204 người bị thương; 302,4 nghìn ha lúa và 111,4 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 5,4 triệu con gia súc và gia cầm bị chết; 296,8 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2024 ước tính gần 89.253,6 tỷ đồng, gấp 17,5 lần năm 2023.
Khái quát lại trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, nhưng với sự vào cuộc của cả Hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6-6,5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của toàn Hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm, vụ giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai. Đây là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.