Tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023


Tình hình kinh tế xã hội tháng 10 có nhiều chuyển biến tích cực, đáng chú ý, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, IIP ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%).

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp

Lúa mùa: Diện tích gieo cấy lúa mùa năm 2023 ước đạt 1.544,5 nghìn ha, bằng 99,5% vụ mùa năm trước. Tính đến trung tuần tháng 10, cả nước thu hoạch được 1.028,3 nghìn ha lúa mùa, chiếm 66,6% diện tích gieo cấy và bằng 106,9% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc thu hoạch được 699,2 nghìn ha, chiếm 69,5% và bằng 116%; các địa phương phía Nam thu hoạch được 329,1 nghìn ha, chiếm 61,1% và bằng 91,6%.

Lúa hè thu: Các địa phương trên cả nước hoàn thành sản xuất lúa hè thu với diện tích thu hoạch ước đạt 1.912,8 nghìn ha, giảm 1,9 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2022; năng suất ước đạt 57,6 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng 173 nghìn tấn.

Lúa thu đông: Đến giữa tháng 10, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 692,9 nghìn ha lúa thu đông, bằng 106,9% cùng kỳ năm trước; đến nay, diện tích thu hoạch ước đạt 247 nghìn ha, chiếm 35,6% diện tích gieo cấy và bằng 88,0%.

Cây hàng năm: Do thời tiết thuận lợi, các địa phương phía Bắc đang tranh thủ gieo trồng rau, màu vụ đông nên tiến độ gieo trồng vụ đông năm nay nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi: Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tổng số lợn của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 10/2023 tăng 3,4% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số bò tăng 0,7%; tổng số trâu giảm 1%; tổng số gia cầm tăng 2,9%.

Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 10/2023 ước đạt 31,3 nghìn ha, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 229,3 nghìn ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 83,7 triệu cây, tăng 4,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 16,2 triệu m3, tăng 3,2%; diện tích rừng bị thiệt hại 1.662,8 ha, tăng 68,1%, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 983,2 ha, tăng 2,1%; diện tích rừng bị cháy là 679,6 ha, gấp 25,7 lần.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng 10 ước đạt 848,5 nghìn tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 544,4 nghìn tấn, tăng 4,5%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 304,1 nghìn tấn, tăng 0,5%. Tính chung 10 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 7.645,2 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 5.455,9 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 1.091,4 nghìn tấn, tăng 4,4%; thủy sản khác đạt 1.097,9 nghìn tấn, tăng 1,7%.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, IIP ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,2%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2023 tăng 1,0% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng 10, cả nước có hơn 15,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,7% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 5,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,4% và tăng 35,6%; có 4.898 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,1% và tăng 16,6%; có 1.501 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,2% và giảm 6,3%.

Tính chung 10 tháng năm 2023, cả nước có 183,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 146,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 ước đạt 65,7 nghìn tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 479,3 nghìn tỷ đồng, bằng 65,8% kế hoạch năm và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 65,1% và tăng 21,1%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2023 ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2023 có 95 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 251,2 triệu USD, giảm 36,6% so với cùng kỳ năm trước; có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 173 triệu USD, gấp gần 2,8 lần. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 424,4 triệu USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 10/2023 ước đạt 169,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2023 ước đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán năm và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 10/2023 ước đạt 118 nghìn tỷ đồng; lũy kế 10 tháng năm 2023 đạt 1.357,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán năm và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%).

Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa[3] ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 năm 2023 ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm nay, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 257,42 tỷ USD, chiếm 88,3%.

Nhập khẩu hàng hóa

 Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 năm 2023 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3%  so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 250,12 tỷ USD, chiếm 93,8%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 78,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,8 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 3 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,6 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 10 tăng 3,2% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,59%. Bình quân 10 tháng năm 2023, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,38%.

Chỉ số giá vàng tháng 10/2023 tăng 0,92% so với tháng trước; tăng 5,87% so với tháng 12/2022; tăng 8,28% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 2,81%.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2023 tăng 1,2% so với tháng trước; tăng 1,56% so với tháng 12/2022; tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 2,24%.

Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách tháng 10/2023 ước đạt 399,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 0,3% so với tháng trước và luân chuyển 22,3 tỷ lượt khách.km, tăng 2,2%. Tính chung 10 tháng năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 3.807,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 206,2 tỷ lượt khách.km, tăng 27,6%.

Vận tải hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 200,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3% so với tháng trước và luân chuyển 44 tỷ tấn.km, tăng 4,8%. Tính chung 10 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 1.888,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 402 tỷ tấn.km, tăng 11,4%.

Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 10/2023 đạt 1,1 triệu lượt người, tăng 5,5% so với tháng trước và gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Một số tình hình xã hội

Theo kết quả khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 10 khá ổn định. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 93,7% (giảm nhẹ 0,4 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo tháng 9 năm 2023); tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết là 6,3%. Tính chung 10 tháng năm nay, Chính phủ cấp xuất gần 21,5 nghìn tấn gạo, hỗ trợ cho 1.437,8 nghìn nhân khẩu, trong đó: Hỗ trợ người dân dịp Tết năm 2023 là 16.919,9 tấn gạo cho 1.128 nghìn nhân khẩu; hỗ trợ người dân kỳ giáp hạt năm 2023 là 4.647,5 tấn gạo cho hơn 309,8 nghìn nhân khẩu.

Phong trào thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh, các phong trào thể dục, thể thao được tổ chức rộng khắp, một số hoạt động nổi bật diễn ra trong tháng như Việt Nam là chủ nhà giải bóng chuyền nam Quân đội các nước ASEAN năm 2023. Về thể thao thành tích cao, trong tháng 10/2023 diễn ra một số sự kiện nổi bật như: Đội tuyển thể thao Việt Nam xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương (trong đó có 3 huy chương vàng) tại giải Asiad 19; giải Vô địch trẻ trượt băng Quốc gia năm 2023; giải điền kinh vô địch quốc gia 2023; giải Đấu kiếm vô địch quốc gia 2023.

Trong tháng (từ 15/9-14/10/2023), trên địa bàn cả nước xảy ra 1.491vụ tai nạn giao thông. Tính chung 10 tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 9.829 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 7.136 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.693 vụ va chạm giao thông, làm 5.496 người chết, 4.025 người bị thương và 2.948 người bị thương nhẹ.

Thiệt hại do thiên tai trong tháng 10 chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất. Tính chung 10 tháng năm nay, thiên tai làm 136 người chết và mất tích, 130 người bị thương; hơn 21,4 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 63,2 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; gần 106 nghìn ha lúa và 42,1 nghìn hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 3.679,7 tỷ đồng, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng (tính từ ngày 17/9 đến ngày 16/10/2023), theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được các Cục Thống kê tổng hợp, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.683 vụ vi phạm môi trường. Tính chung 10 tháng năm nay đã phát hiện 14.897 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 13.293 vụ với tổng số tiền phạt là 243,9 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, cả nước xảy ra 154 vụ cháy, nổ, làm 7 người chết và 4 người bị thương, thiệt hại ước tính 19,3 tỷ đồng, tăng 96,4% so với tháng trước và giảm 38,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.639 vụ cháy, nổ, làm 139 người chết và 119 người bị thương, thiệt hại ước tính 229,7 tỷ đồng, giảm 59,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo gso.gov.vn