Tình hình thực hiện công tác tài chính ngân sách tháng 4 và chương trình công tác tháng 5/2016
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC THÁNG 4 NĂM 2016
1. Công tác xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính tháng 4/2016:
Tháng 4/2016 Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 07 Thông tư và trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch vay và trả nợ Chính phủ năm 2016.
2. Tình hình thực hiện dự toán NSNN:
2.1. Về thu ngân sách nhà nước:Tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 4/2016 ước đạt xấp xỉ 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 23,4% (16,4 nghìn tỷ đồng) so với tháng trước. Lũy kế thu 4 tháng đầu năm ước đạt 317 nghìn tỷ đồng, bằng 31,3% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó:
a) Thu nội địa tháng 4ước đạt 69,67 nghìn tỷ, tăng 24,6% (13,7 nghìn tỷ đồng) so với tháng trước; lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 264,87 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2015 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 7,8%).
b) Thu về dầu thô:Giá dầu thô trên thị trường thế giới trong kỳ có xu hướng tăng (giá dầu WTI hiện đang dao động quanh mức trên dưới 40 USD/thùng, tăng khoảng 13-15% so với cuối tháng trước); giá dầu thô thanh toán của Việt Nam trong kỳ bình quân khoảng 39 USD/thùng, giảm 21 USD/thùng so với giá dự toán; thu NSNN tháng 4 ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng. Thu dầu thô 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 13 nghìn tỷ đồng, bằng 23,9% dự toán, giảm 48,1% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng dầu thanh toán 4 tháng ước đạt 5,24 triệu tấn, bằng 37,6% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân 4 tháng khoảng 36,3 USD/thùng, giảm 23,7 USD/thùng so giá tính dự toán.
c) Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu:Thực hiện tháng 4 ước đạt 13,3 nghìn tỷ đồng. Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 4 ước giảm khoảng 7,1% so với tháng trước, đã ảnh hưởng làm giảm số thu ngân sách của lĩnh vực này so cùng kỳ tháng trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 38,9 nghìn tỷ đồng , bằng 22,6% dự toán, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2015.
2.2. Về chi ngân sách nhà nước:
Tổng chi NSNN tháng 4 ước 93 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 370,66 nghìn tỷ đồng, bằng 29,1% dự toán, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015,trong đó:
a) Chi đầu tư phát triển:Thực hiện tháng 4 ước 10,5 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 57,2 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán, tăng 3,5% cùng kỳ năm 2015. Riêng về thực hiện vốn đầu tư XDCB, ước đến hết tháng 4 vốn giải ngân cho các dự án là 56,5 nghìn tỷ đồng, đạt 22,4% dự toán (cùng kỳ năm 2015 đạt 28,6% kế hoạch), trong đó, nhiều bộ, ngành đến 20/4 có tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 20% kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt khoảng 20% kế hoạch (cùng kỳ năm 2015 đạt 25% kế hoạch)
b) Chi trả nợ và viện trợ:Thực hiện tháng 4 ước 12,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng xấp xỉ đạt 51,9 nghìn tỷ đồng, bằng 33,5% dự toán, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2015, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.
c) Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính:Thực hiện tháng 4 ước 69,8 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng xấp xỉ đạt 261,6 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 5% so cùng kỳ năm 2015.
Ngày 21/4/2016, Bộ Tài chính đã có văn bản số 5333/BTC-NSNN trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016, trong đó kiến nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cần bám sát tình hình, thực hiện đầy đủ các giải pháp đã đề ra; chủ động đề ra các biện pháp nhằm hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao; tăng cường quản lý chi NSNN bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.
2.3. Về cân đối NSNN:
Bội chi NSNN 4 tháng ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, bằng 21,1% dự toán năm.
2.4.Tình hình huy động vốn cho NSNN:
Tính đếnngày 06/5/2016 đã thực hiện phát hành được 111.790,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, đạt xấp xỉ 50,8% nhiệm vụ huy động vốn trong nước bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển năm 2016, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.
3. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ:
3.1. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính:
3.1.1 Về điều hành thu NSNN:
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan và các đơn vị trong ngành Tài chính triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp quản lý thu NSNN, chống thất thu, thu hồi nợ đọng vào NSNN chống buôn lậu, gian lận thương mại. Kết quả:
Trong 3 tháng đầu năm 2016, cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 8.000 doanh nghiệp, qua đó xử lý tăng thu 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2015; đôn đốc cưỡng chế thuđược gần 12,7 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển sang, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo, đôn đốc các Cục hải quan địa phương tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2016; đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa (C/O) của những hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng được hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTAs)3.1.2 Về điều hành chi NSNN:
Chủ động điều hành thực hiện nhiệm vụ chi NSNN, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.Thực hiện Quyết định số 604/Đ-TTg ngày 11/4/2016 và Quyết định số 489/TTg-KTN ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã chi từ dự phòng NSTW trên 1,2 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho các địa phương và 2 Công ty thủy nông thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn,...
Trong 4 tháng đầu năm 2016, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện khoảng 4.700 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết; không chấp nhận thanh toán khoảng 7 tỷ đồng.
3.2. Về tạo môi trường thúc đẩy, sản xuất, kinh doanh:
Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự án Pháp lệnh án phí, lệ phí toà án và các dự thảo Nghị định về lệ phí trước bạ, Nghị định quy định chi tiết Luật phí và lệ phí, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về giá, hóa đơn, lệ phí, Nghị định quy định về lệ phí đăng ký con nuôi. Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng dự thảo trình Chính phủ Nghị định về quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước theo lộ trình.
3.3. Tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan:
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chínhgóp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ. Triển khai Chính phủ điện tử mạnh mẽ theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh nộp thuế qua mạng, thông quan điện tử; thực hiện thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử.
Thực hiện nhiệm vụ một cửa quốc gia và ASEAN theo lộ trình; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa nhập khẩu; rút ngắn thời gian thông quan của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu... Để đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính trong thời gian tới đối với 03 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế. Các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.
3.4. Đối với việc tăng cường kiểm soát giá cả thị trường:
Các biện pháp quản lý, điều hành giá cả, thị trường đã có những tác động tích cực; giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu ổn định, không tăng đột biến, không xảy ra tình trạng thiếu hàng.
Phốihợp chặt chẽ với Bộ Công thương tổ chức điều hành kinh doanh xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá dầu thế giới. Trong tháng 4/2016, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã 2 lần điều hành kinh doanh xăng dầu.
Công tác thanh tra, kiểm tra giá; xây dựng kế hoạch kiểm tra theo 3 chuyên đề về giá hàng công nghiệp tiêu dùng, nông lâm thủy sản và tư liệu sản xuất đã được thực hiện có hiệu quả đồng thời đã xây dựng kế hoạch giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của doanh nghiệp, như: giá dịch vụ bốc dỡ công-te-nơ tại cảng biển Cái Mép - Thị Vải, giá thuốc bảo vệ thực vật, giá thóc gạo, phân bón, giá mua tối đa muối ăn nhập kho dự trữ quốc gia,... tăng cường quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
3.5. Công tác tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế:
Công tác tái cấu trúc, phát triển các loại hình thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, đã được triển khai đồng bộ tạo cơ sở pháp lý về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm góp phần củng cố và nâng cao năng lực của cơ quan quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp, nâng cao chất lượng công tác giám sát hoạt động tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn góp nhà nước. Đã thực hiện cổ phần hóa thêm 16 Tổng công ty Nhà nước
3.6. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân:
Thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2016 cho các đối tượng thụ hưởng chính sách và thực hiện chuyển kinh phí chi trả tiền lương hưu và các khoản trợ cấp 5 tháng đầu năm 2016 cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. Trước hiện tượng cá chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã khẩn trương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp khắc phục kịp thời những thiệt hại cho người dân, cụ thể:
Ngày 29/4/2016 Bộ Tài chính đã có công văn số 5892/BTC-TCDT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế xuất ứng gạo DTNN để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất này. Qua đó, đã kịp thời xuất gạo hỗ trợ bà con ngư dân vùng bị thiệt hại. Tính đến ngày 5/5/2016, tổng số gạo DTQG đã xuất cấp cho nhân dân vùng biển bị thiệt hại là 800 tấn (Quảng Bình:500 tấn, Quảng trị: 300 tấn), TCDT đang phối hợp với các địa phương để tiếp tục xuất cấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
3.7.Công tác Hợp tác Tài chính quốc tế:
-Trong tháng 4/2016 Bộ Tài chính đã:Tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và ASEAN +3 tại Đức; Báo cáo đánh giá tác động thực hiện FTA; Tham gia đàm phán RCEP; Xây dựng phương án đàm phán Việt Nam- Israel; Ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Tài chính Việt Nam và Lào giai đoạn 2016-2020.
- Đến hết tháng 4/2016 trị giá giải ngân vốn vay nước ngoài đạt khoảng 6.227 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm đạt khoảng 19.980 tỷ đồng.
II.KẾ HOẠCH, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG 05/2016
1. Các đề án cơ chế, chính sách trong tháng 05/2016:
Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
2. Tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2016:
-Tiếp tục điều hành dự toán ngân sách năm 2016, đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt và thực tế phát sinh; phối hợp với các đơn vị hướng dẫn xây dựng dự toán NNSN năm 2017;hoàn thiện báo cáo đánh giá và phương án xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2017; xây dựng kế hoạch điều hành thu, chi ngoại tệ của NSNN năm 2016; rà soát, tổng hợp số tăng thu NSĐP năm 2015 để thực hiện chi cải cách tiền lương năm 2016.
-Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN,phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao. Tăng cườngcông tác thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường kiểm tra sau thông quan.
-Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN theo dự toán; thực hành tiết kiệm (đặc biệt là chi mua ô tô, chi khánh tiết hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài), chống lãng phí; chủ động trong tổ chức điều hành NSNN, ưu tiên để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
- Thẩm định chặt chẽ nguồn vốn các dự án khởi công mới; thẩm tra phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2016 cho các Bộ, ngành; tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư, phát triển, kế hoạch vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2016 của các Bộ, ngành, địa phương.
3. Về công tác huy động vốn:
-Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp huy động vốn, phấn đấu huy động đạt kế hoạch được giao.
-Thực hiện huy động, giải ngân các khoản vốn vay nước ngoài theo kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản vốn nước ngoài bằng tiền cho cân đối NSNN.
4. Công tác tài chính doanh nghiệp, tái cơ cấu DNNN:
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương về xử lý tài chính, xử lý lao động dôi dư đối với các DNNN, thực hiện công tác giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các doanh nghiệp.
5. Công tác quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm:
- Tăng cường công tác thanh tra giám sát các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán; xử phạt theo đúng quy định pháp luật các trường hợp vi phạm. Giám sát chất lượng các báo cáo tài chính, hồ sơ thẩm định niêm yết, hồ sơ phát hành theo tiêu chí chặt chẽ hơn nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường niêm yết đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức phát hành và hồ sơ đăng ký chấp thuận kiểm toán.Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai việc đăng ký công ty đại chúng; nới room cho Nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng.
- Tích cực, chủ động theo dõi, giám sát và chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm kịp thời tại các tỉnh xảy ra thiệt hại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
6. Công tác quản lý giá:
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để phối hợp kịp thời với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định. Tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, theo dõi và quản lý chặt chẽ giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng như: khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm...
7. Công tác tạo môi trường thúc đẩy, sản xuất, kinh doanh:
Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài chính sẽ chủ động triển khai các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính.