Hội thảo “Xây dựng Chương trình hành động triển khai các cam kết hội nhập trong lĩnh vực tài chính”
Nhằm triển khai kịp thời và có hiệu quả các nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tếtrong toàn ngành Tài chính theo Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 18/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hội nhập trong lĩnh vực tài chính năm 2016, sáng ngày 25/4/2016, tại Vĩnh Phúc, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã khai mạc Hội thảo “Xây dựng Chương trình hành động triển khai các cam kết hội nhập trong lĩnh vực tài chính”.
Hội thảo nhằm tập trung thảo luận về các vấn đề phát sinh trong quá trình rà soát pháp lý Hiệp định TPP với pháp luật Việt Nam, định hướng xây dựng chính sách khi triển khai các cam kết hội nhập đặc biệt là cam kết TPP, từ đó xây dựng Chương trình hành động triển khai các cam kết trong lĩnh vực tài chính cho phù hợp. Hội thảo được diễn ra trong 3 ngày từ 25-27/4/2016.
Hội thảo có sự tham dự củađại diện các Bộ, ngành là Trưởng nhóm và thành viên đoàn đàm phán Chính phủ, trực tiếp tham gia đàm phán Hiệp định TPP; đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính. Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính và ông ông Brian Gianconmetti, Giám đốc Chương trình phụ trách về Quản trị nhà nước và trách nhiệm giải trình - Dự án GIG đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ Tài chính cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 11 FTA (có 09 Hiệp định có hiệu lực và 02 Hiệp định vừa ký kết) trong khuôn khổ song phương và đa phương, trong đó đáng lưu ý nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) được ký kết ngày 04/2/2016 tại New Zealand. Việc ký kết TPP đánh dấu mốc hội nhập quan trọng của Việt Nam kể từ khi ra nhập WTO và được đánh giá là động lực để thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng, cải thiện thể chế chính sách.
Theo ông Tùng, hội nhập đồng nghĩa với việc hàng rào thuế quan được dỡ bỏ và Việt Nam phải tuân thủ luật chơi quốc tế trong nhiều lĩnh vực cam kết khác như đầu tư, dịch vụ, cạnh tranh… Do vậy, bên cạnh những cơ hội do hội nhập mang lại thì Chính phủ và doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng gặp phải nhiều khó khăn thách thức như áp lực đối với ngân sách nhà nước, áp lực cạnh tranh khi hàng ngoại nhập ngày càng đa dạng về chủng loại và cạnh tranh về giá… Trong bối cảnh đó, cần có lộ trình và các giải pháp hợp lý để thực thi các cam kết hội nhập mới nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, thúc đẩu tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Và để chuẩn bị cho quá trình phê chuẩn Hiệp định TPP và sẵn sang thực thi khi Hiệp định có hiệu lực, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát sơ bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam với cam kết trong TPP trong các lĩnh vực do Bộ Tài chính phụ trách hoặc có liên quan, cụ thể: lĩnh vực thương mại hàng hóa và hải quan, dịch vụ tài chính, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, dịch vụ kế toán, kiểm toán, dịch vụ thẩm định giá…. Và trong thời gian tới, song song với công tác rà soát cam kết TPP, Bộ Tài chính sẽ ban hành chương trình hành động để thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập, đặc biệt là cam kết trong Hiệp định TPP theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 02/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 18/2/2016 về việc hội nhập trong lĩnh vực tài chính. Chương trình hành động cần nêu rõ được lộ trình triển khai cam kết và các biện pháp thực hiện, các kiến nghị điều chỉnh chính sách trong các lĩnh vực phụ trách.
Trên tinh thần đó, các đại biểu tham dựHội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến cũng như việc chia sẻ quan điểm của mình trong các lĩnh vực như: tổng quan Hiệp định TPP trong lĩnh vực dịch vụ tài chính; chương trình mua sắm Chính phủ trong Hiệp định TPP; rà soát pháp lý giữa Hiệp định TPP với hệ thống pháp lý giữa Hiệp định TPP với hệ thống pháp luật Việt Nam đối với lĩnh vực dịch vụ và đầu tư (bảo hiểm, chứng khoán, tài chính ngân hàng, kế toán kiểm toán) và các chương trình hành động thực hiện TPP và các cam kết quốc tế…