Tính lương hưu cho người lao động
(Tài chính) Nhiều bạn đọc đã viết thư tới TCTC hỏi về chế độ nghỉ hưu và cách tính lương hưu như thế nào. Đáp ứng yêu cầu, FinancePlus.vn đã nghiên cứu Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và các chế độ hiện hành để thông tin cho bạn đọc rõ hơn về vấn đề này.
Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí:
Theo Luật BHXH ban hành ngày 29/06/2006, tại Khoản 1 Điều 2 quy định: Người lao động tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên; b) Cán bộ, công chức, viên chức; c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an; d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân; đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; e) Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng BHXH bắt buộc.
Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e trong Khoản 1, Điều 2 của Luật BHXH (đã kể ở trên) có đủ hai mươi năm (20) đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ sáu mươi (60) tuổi, nữ đủ năm mươi lăm (55) tuổi (lao động trong điều kiện bình thường);
b) Nam từ đủ năm mươi lăm (55) tuổi đến đủ sáu mươi (60) tuổi, nữ từ đủ năm mươi (50) tuổi đến đủ năm mươi lăm (55) tuổi và có đủ mười lăm (15) năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm (15) năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
2. Người lao động quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 2 của Luật BHXH (đã kể ở trên) có đủ hai mươi (20) năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ năm mươi lăm (55) tuổi, nữ đủ năm mươi (50) tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật công an nhân dân có quy định khác;
b) Nam từ đủ năm mươi (50) tuổi đến đủ năm mươi lăm (55) tuổi, nữ từ đủ bốn mươi lăm (45) tuổi đến đủ năm mươi (50) tuổi và có đủ mười lăm (15) năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm (15) năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Mức lương hưu hằng tháng:
Theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ % lương hưu được hưởng tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng cho 15 năm đóng BHXH đầu tiên, từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Đối với người nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì tỷ lệ % hưởng lương hưu sau khi tính như trên sẽ bị giảm đi 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Cách tính tiền lương, tiền công bình quân tháng:
Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần được xác định như sau:
- Đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức bình quân tiền lương, tiền công để tính lương hưu được tính:
+ Bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia BHXH trước tháng 1/1995;
+ Bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2000;
+ Bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia BHXH trong thời gian từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2006;
+ Bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu nếu bắt đầu tham gia BHXH từ tháng 1/2007 trở đi.
- Đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức bình quân tiền lương, tiền công để tính lương hưu là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
- Đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức bình quân tiền lương, tiền công để tính lương hưu là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH chung của các thời gian.
Điều chỉnh lương hưu:
Tiền lương, tiền công đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung tại thời điểm hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH. Tiền lương, tiền công đã đóng BHXH theo các chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh tăng tại thời điểm hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Trường hợp lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được quỹ BHXH bù bằng mức lương tối thiểu chung.
Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế theo quy định của Chính phủ.
Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu:
1. Người lao động đã đóng BHXH trên ba mươi năm (30) đối với nam, trên hai mươi lăm (25) năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH kể từ năm thứ ba mươi mốt (31) trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu (26) trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH.
Người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế do quỹ BHXH đảm bảo.
Hiện, chế độ hưu trí (tuổi nghỉ hưu và tỷ lệ tính lương hưu) cho các đối tượng tham gia đóng BHXH (cả nam và nữ) đang được Chính phủ xem xét để điều chỉnh cho phù hợp (sau khi tham khảo ý kiến của người dân và số liệu tính toán quỹ BHXH).
Hiện tại, chế độ hưu trí và cách tính lương hưu như trên vẫn đang áp dụng và được người dân chấp thuận.